Vụ 'đẩy' học sinh đi để đạt chuẩn quốc gia: Trách nhiệm của địa phương?
Trước sự việc của trường Tiểu học Hoàng Liệt, TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng nếu cứ đẩy trách nhiệm cho nhà trường, ở góc độ nào đó sẽ khá oan uổng.
Phân luồng học sinh thiếu các biện pháp mang tính kỹ thuật
Sự việc trường tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đột ngột cho chuyển 743 học sinh sang trường khác nhằm xây dựng trường chuẩn quốc gia đã gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng trường học, đặc biệt cấp tiểu học được giao sứ mệnh phổ cập giáo dục. Nhà trường không được từ chối bất kỳ học sinh trong địa bàn tuyển sinh của nhà trường.
Tuy nhiên, việc giảm sĩ số để đạt chuẩn theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ thuộc về trách nhiệm của địa phương. Bởi lẽ, điều tiết học sinh không phải trách nhiệm của riêng nhà trường mà phải của cả địa phương. Trên thực tế, trường học công lập cũng chỉ chủ động được về chuyên môn và hầu như không chủ động được về nguồn nhân lực cũng như điều kiện cơ sở vật chất. Phần trách nhiệm của các nhà trường nằm ở việc tư vấn cho địa phương về áp lực sĩ số và công khai, minh bạch các tiêu chí, chất lượng đào tạo với phụ huynh.
“Trường học là đại diện cho học sinh, cho đội ngũ thầy cô giáo thì khi mình đang quá tải cần phải thông báo. Bởi vì tình trạng quá tải quá lâu sẽ dẫn đến cơ thể của trường học đó bị mệt mỏi và bị ốm. Tôi hay dùng từ "sức khỏe trường học" và sức khỏe trường học là cực kỳ quan trọng. Hiện nay không nhiều trường học thực hiện trách nhiệm sẵn sàng công khai, minh bạch cũng như tư vấn cho các cấp quản lý về "sức khỏe" bản thân mình và bởi thế sẽ mất quyền chủ động", PGS.TS Chu Cẩm Thơ phân tích.
Nhiều năm nay các trường, các địa phương hướng tới việc xây dựng thành trường chuẩn quốc gia theo các tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đã quy định. Chuẩn ở đây được hiểu theo nghĩa là tiêu chuẩn cần thiết để công tác giáo dục có thể triển khai có hiệu quả, an toàn ở trong các trường học.
Sĩ số học sinh là một trong những tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Việc đảm bảo sĩ số vừa đủ để cho môi trường giáo dục an toàn, chất lượng với các học sinh, các thầy cô giáo. Ngay cả giáo viên cũng cần phải có một môi trường lao động để đảm bảo sức lao động và sáng sáng tạo cho công tác giảng dạy.
“Tôi lấy làm tiếc trong cách xử lý tình huống và điều tiết phân luồng học sinh mà hoàn toàn không nhìn thấy các biện pháp mang tính kỹ thuật. Trường học sẽ không thể làm được nếu như không đặt trong mạng lưới quy hoạch và điều tiết chung của địa phương. Các địa phương khi làm quy hoạch các trường lớp phải hướng tới trong một khoảng thời gian dài”, PGS. TS Chu Cẩm Thơ đề cập sự việc tại trường tiểu học Hoàng Liệt.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, trường công lập cùng được đầu tư của Nhà nước và cùng có sứ mệnh để thực hiện phổ cập giáo dục. Về nguyên tắc, cơ quan quản lý của địa phương, cụ thể phòng Giáo dục và đào tạo quận, phải đảm bảo chất lượng của các trường cùng trên địa bàn tương đương cả về cơ hội học tập cũng như chất lượng giáo dục học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành việc kiểm định chất lượng 4 mức độ và có lộ trình đến với mục tiêu các trường tự đánh giá mình, để có chiến lược nâng cao chất lượng của mình lên, đáp ứng sứ mệnh được giao. Khi đạt được kiểm định chất lượng mức độ 2 trở lên, Ủy ban nhân dân của tỉnh, thành phố có thể công nhận trường đạt chuẩn quốc gia ở mức độ 1.
Có những trường nợ chuẩn cả chục năm trong khi kiểm định chất lượng chỉ có thời hạn 5 năm. Kiểm định chất lượng sinh ra để duy trì chất lượng hệ thống. Đây là một bài toán mang tính quản lý và cũng cho thấy là trách nhiệm của địa phương chưa được như cam kết đối với nhân dân và đối với xã hội - PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, bà Chu Cẩm Thơ cũng lưu ý áp lực từ phụ huynh học sinh trong câu chuyện tạo nên khó khăn cho việc đạt chuẩn sĩ số học sinh trong việc chọn trường, chọn lớp, chọn giáo viên.
Giải pháp nào cho việc giảm sĩ số học sinh?
Ở những địa bàn tập trung đông dân cư và áp lực tăng lên không ngừng, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, sẽ cần những giải pháp thuộc về cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ngắn hạn được thể hiện bằng việc để cho các học sinh được quyền học trong lớp đạt chuẩn. Giải pháp này ngành giáo dục ở nhiều quận, huyện trong thời gian dài đã cố gắng thực hiện như mượn phòng học, tổ chức điểm học lẻ.
Biện pháp trung hạn nằm ở việc phát triển hài hòa các điểm trường trên quỹ đất sẵn có hoặc là chuyển đổi. Đương nhiên, hệ thống này cần phải quy hoạch không phải chỉ có tiểu học, mẫu giáo mầm non mà còn cả những trường trung học phổ thông, trung học dạy nghề để có cả hệ thống. Các quận nội thành thiếu quỹ đất nhưng không phải là không thể làm được.
Về dài hạn, việc đạt chuẩn cần trở thành bắt buộc với các nhà làm giáo dục. Nếu như các địa phương quyết liệt và có biện pháp kỹ thuật mềm dẻo mới làm tốt được công tác giáo dục. PGS.TS Chu Cẩm Thơ lấy ví dụ từ giáo dục quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, Hà Nội trong việc làm cho chất lượng của các trường học mới xây dựng và các trường học đã có dần dần đều được nâng lên và tương đương nhau để người dân yên tâm trong việc cho con mình vào học.
“Nếu không xây dựng các trường trong cùng địa bàn có chất lượng tương đồng thì đương nhiên là họ bao giờ cũng phải lựa chọn nơi tốt hơn rồi. Quyền được lựa chọn học tập thuộc về người dân và điều này không phải chỉ có Việt Nam. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có tình trạng phải đóng cửa trường khi không có học sinh đến học”, bà Chu Cẩm Thơ phân tích thêm./.