Vosco lỗ 53,85 tỷ đồng trong quý I/2025 khi kinh doanh dưới giá vốn
Thị trường tàu hàng khô và tàu chở dầu gặp khó khăn, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã VOS - sàn HoSE) ngay lập tức báo cáo kinh doanh thua lỗ trong quý I/2025.
Trong quý I/2025, Vosco ghi nhận doanh thu đạt 462,11 tỷ đồng, giảm 57,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 53,85 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 74,52 tỷ đồng, tức giảm tới 128,37 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, trong quý đầu năm 2025, Vosco kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 34,76 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 103,97 tỷ đồng, tức giảm 128,73 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng trong kỳ, doanh thu tài chính giảm nhẹ 8,6%, tương ứng giảm 1,36 tỷ đồng, về 14,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 386,8%, tương ứng tăng thêm 4,99 tỷ đồng, lên 6,28 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 26,8%, tương ứng giảm 9,84 tỷ đồng, về 26,91 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý đầu năm 2025 với việc kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời chịu áp lực chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Vosco đã ghi nhận lỗ tới 53,85 tỷ đồng.
Lý giải về kinh doanh thua lỗ trong quý I/2025, Vosco cho biết, trong quý I/2025, thị trường tàu hàng khô rất ảm đạm, khởi đầu từ mức nền rất thấp cuối năm 2024 và lao dốc xuống đáy quanh Tết Nguyên Đán, được ghi nhận là tồi tệ hơn cả giai đoạn đầu Covid. Sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa nguồn cung tàu dư thừa và nhu cầu hàng hóa khan hiếm đã đẩy giá cước thuê tàu Supramax xuống còn khoảng 4.000-5.000 USD/ngày, thậm chí có chuyến chỉ còn 2.500 - 3.000 USD/ngày, trong khi phân khúc Small Handy cũng chịu cảnh cạnh tranh khốc liệt với lượng hàng rất ít ỏi.
Bên cạnh đó, thị trường tàu dầu sản phẩm quý I/2025 có nhiều diễn biến phức tạp và không ổn định, với một số thời điểm khá ảm đạm như tại kỳ nghỉ Lễ hoặc cuối tháng 3. Vì vậy, doanh thu của đội tàu khô và tàu dầu dầu bị ảnh hưởng.
Thêm nữa, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 thấp hơn cùng kỳ do thị trường tàu hàng khô sụt giảm và thị trường tàu dầu có nhiều diễn bất thường. Trong đó, Công ty tiếp tục trích khấu hao nhanh đội tàu để có thêm dòng tiền phục vụ công tác đầu tư phát triển đội tàu. Nếu trích mức khấu hao thường, kết quả kinh doanh của Công ty trong quý có lãi; Vosco có nhiều tàu trọng tải lớn lên đà/sửa chữa định kỳ, không có doanh thu và Công ty vẫn phải chịu chi phí ngày tàu như Vosco Sky, Vosco Unity và Vosco Starlight.
Trong năm 2025, Vosco đặt kế doanh doanh thu 6.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế dự kiến 376 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2025 với lãi trước thuế ghi nhận lỗ 53,96 tỷ đồng, Vosco còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm 2025.
Về quy mô tài sản, tính tới ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Vosco tăng 6,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 181,7 tỷ đồng, lên 3.072,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu ghi nhận 1.186,3 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 38,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 803,4 tỷ đồng, chiếm 26,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 503,9 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, về phần nguồn vốn như đầu năm không sử dụng nợ vay thì tới cuối quý I đã sử dụng tổng cộng 241 tỷ đồng nợ, bằng 12,5% tổng vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 26,7 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 214,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, Vosco quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 421.699 DWT gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời; 4 tàu dầu sản phẩm, hóa chất và 2 tàu container. Trong số này có 2 tàu dầu sản phẩm Đại An, Đại Phú và 2 tàu dầu/hóa chất Đại Thành, Đại Hưng được Công ty thuê để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần trong thời hạn 3 năm. Trong năm 2024, Vosco đã bán tàu dầu sản phẩm Đại Minh và giao tàu cho người mua vào cuối tháng 5/2024.
Về diễn biến cổ phiếu, gần đây khi thị trường giảm cổ phiếu VOS cũng điều chỉnh giảm khi mà từ ngày 2/4 đến ngày 6/5, cổ phiếu VOS đã giảm 8,1% từ 14.900 đồng về 13.700 đồng/cổ phiếu.