Vòng vây ESG và lựa chọn tất yếu của DEEP C, Sợi Thế Kỷ
Trách nhiệm ESG không còn dừng ở phạm vi nội bộ doanh nghiệp mà trải dài cả chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào cho đến phân phối sản phẩm.

Từ một vùng đất hoang hóa, DEEP C đã trở thành một tổ hợp khu công nghiệp sinh thái hiện đại. Ảnh: DEEP C
Sức ép ESG bủa vây
Từ khi công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu vào cuối năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thiết lập chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với các mục tiêu bảo vệ môi trường, nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.
Trên nền tảng này, một loạt quy định pháp lý như Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp (CSRD), Chỉ thị về thẩm định tính bền vững doanh nghiệp (CSDDD), hệ thống phân loại tài chính xanh EU Taxonomy… đã và đang được ban hành và áp dụng đồng bộ trên toàn khối.
Những quy định này nhằm thiết lập chuẩn mực phát triển bền vững mới cho doanh nghiệp và hệ sinh thái đầu tư đồng thời gây tác động sâu rộng tới các đối tác ngoài EU, đặc biệt là các nhà cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Asthildur Hjaltadottir-de la Fuente, nhà sáng lập ESG Matters cho biết, CSRD và CSDDD đều yêu cầu các doanh nghiệp EU cũng như các doanh nghiệp ngoài EU nhưng có hoạt động kinh doanh đáng kể tại thị trường này phải công khai thông tin phi tài chính. Những thông tin này bao gồm các yếu tố như khí thải carbon, tác động môi trường, quyền lợi người lao động và tính minh bạch trong quản trị…
Dù phạm vi và cơ chế điều chỉnh có sự khác biệt, cả hai quy định đều tập trung vào chuỗi cung ứng. Không chỉ yêu cầu minh bạch thông tin, các quy định còn đòi hỏi hành động cụ thể để ngăn ngừa và khắc phục các rủi ro môi trường – xã hội ngay từ các bước đầu trong chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, CSDDD yêu cầu các công ty lớn phải thực hiện nghĩa vụ 'thẩm tra trách nhiệm' xuyên suốt hoạt động kinh doanh, kể cả đối với nhà cung ứng ở nước thứ ba như Việt Nam.
Nhưng, áp lực không chỉ đến từ nhà làm luật. Người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và tác động môi trường và xã hội của sản phẩm. Các đối tác kinh doanh cũng siết chặt yêu cầu về kiểm toán, chứng chỉ và minh bạch dữ liệu ESG. Nhà đầu tư thì yêu cầu báo cáo phi tài chính bên cạnh các chỉ số truyền thống. Trong khi đó, các tổ chức xã hội, truyền thông và cả cơ quan tư pháp tại nhiều quốc gia đang theo sát dấu vết của các hành vi chuyển gánh nặng môi trường ra nước ngoài.
Tất cả tạo nên một “vòng vây” khiến trách nhiệm ESG không còn dừng ở phạm vi nội bộ doanh nghiệp, mà trải dài cả chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào cho đến phân phối sản phẩm.
“Để đạt được sự bền vững toàn cầu, chỉ một quốc gia sẽ không thể làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều quốc gia và các chuỗi giá trị bền vững”, ông Nguyễn Công Minh Bảo, đồng sáng lập Green Transition nhận định trong sự kiện “Chuỗi giá trị bền vững: Tuân thủ pháp lý EU-Việt Nam”.
Ông Bảo cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các nhà cung ứng cấp hai và cấp ba đang đối mặt với yêu cầu cao hơn về minh bạch, kiểm soát rủi ro và báo cáo ESG dù không trực tiếp thuộc đối tượng bị áp dụng các đạo luật kể trên.

Lộ trình áp dụng các chính sách và quy định của EU về phát triển bền vững từ nay đến 2030. Nguồn ảnh: Century
Chuyển nguy thành cơ
Thách thức là có thật. Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, ESG cũng là một cơ hội cạnh tranh mới. Theo diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), việc triển khai chuỗi cung ứng bền vững có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí từ 9–16%, đồng thời tăng giá trị thương hiệu từ 15–30%. PwC cũng ghi nhận hơn 80% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm được sản xuất bền vững.
Vấn đề đặt ra là làm sao để doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ “tuân thủ cho đủ” mà còn tận dụng được xu thế này để bước lên một vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và thủy sản, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để chuyển mình. Trong ngắn hạn, sức ép sẽ đến từ các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng châu Âu, bao gồm kiểm soát hóa chất trong sản phẩm, giảm phát thải carbon trong sản xuất, sử dụng vật liệu tái chế, đảm bảo quyền lợi người lao động và minh bạch dữ liệu ESG.
Một số doanh nghiệp tiên phong đã chủ động đầu tư vào vật liệu thân thiện môi trường như sợi tái chế, nhuộm không nước, đồng thời siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng để đáp ứng các cuộc kiểm toán xã hội và môi trường từ phía thương hiệu quốc tế.
Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc bộ phận Phát triển chiến lược của Công ty CP Sợi Thế Kỷ cho biết, với xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành dệt may toàn cầu, công ty coi đây là cơ hội để mở rộng danh mục sản phẩm.
Công ty đã phát triển các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng và thân thiện môi trường như sợi tái chế tích hợp tính năng chống tia UV, làm mát, nhanh khô, co giãn cao… Đồng thời, Sợi Thế Kỷ tiên phong trong việc phát triển dòng sản phẩm tái chế theo mô hình khép kín từ sợi thải ra thành chip PET, đón đầu các quy định về thiết kế sinh thái và kinh tế tuần hoàn của EU.
Mục tiêu của Sợi Thế Kỷ là tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn ESG, đồng thời cải tiến liên tục để tối ưu chi phí tuân thủ và tạo ra các sản phẩm có giá trị vượt trội.
Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ từ EU, Sợi Thế Kỷ đã sớm chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như OEKO-TEX, GRS và ISO 9001:2015, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quy trình sử dụng hóa chất, ưu tiên các nguyên liệu đầu vào thân thiện môi trường như sợi nhuộm trong khối và polyester tái chế,...
Không chỉ thực hiện báo cáo phát triển bền vững định kỳ, công ty này còn tự nguyện công bố chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu trên nền tảng CDP. Sợi Thế Kỷ cũng là một trong số ít đơn vị tại Việt Nam cam kết giảm phát thải theo sáng kiến SBTi, bắt đầu từ nhà máy Trảng Bàng.

Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc bộ phận Phát triển chiến lược của Công ty CP Sợi thế kỷ (trái) trong buổi lễ trao giải về báo cáo phát triển bền vững.
Về dài hạn, việc tuân thủ các quy định ESG của EU sẽ trở thành “giấy thông hành” không thể thiếu để duy trì khả năng cạnh tranh và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh ESG ngày càng trở thành tiêu chí bắt buộc trong tiếp cận vốn, hợp đồng và thị trường, doanh nghiệp nào sớm thích ứng sẽ có cơ hội nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị và chiếm lĩnh niềm tin của đối tác quốc tế.
Là một doanh nghiệp sớm chuyển mình và theo đuổi triết lý phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C đã xây dựng một hệ thống quản trị minh bạch và mạnh mẽ, bao gồm việc ban hành bộ quy tắc ứng xử và thực hiện đánh giá trọng yếu để xác định các vấn đề ESG quan trọng nhất đối với công ty để đảm bảo rằng ESG không chỉ là một nỗ lực tạm thời.
Bà Trần Thị Hạnh Dung, chuyên viên phát triển bền vững của Deep C cho biết, ESG không chỉ là việc viết một báo cáo dài mà đã đi vào trong từng hoạt động hàng ngày, thấm sâu vào DNA và văn hóa của công ty. Tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái do Bộ Kế hoạch và đầu tư (nay là Bộ Tài chính) phối hợp với UNIDO thực hiện, DEEP C đã triển khai 137 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Nhiều giải pháp điển hình có thể kể đến như giảm thiểu tác động môi trường thông qua chuyển từ xe chạy bằng xăng sang xe điện trong khu công nghiệp, ngừng sử dụng chai nước nhựa dùng một lần và lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà của nhà máy, quản lý nước và chất thải hiệu quả, bảo tồn đa dạng sinh học… Đối với con người, DEEP C đặt trọng tâm vào việc phát triển nhân lực, đảm bảo an toàn lao động và đóng góp cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, Deep C ưu tiên sử dụng nguồn cung cấp địa phương, giảm phát thải trong quá trình vận chuyển và hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Công ty cũng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường và hợp tác với các nhà cung cấp xanh; ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao để đảm bảo bền vững trong toàn chuỗi giá trị.
Nhờ chiến lược phát triển bền vững, các khu công nghiệp mới của DEEP C đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các “đại bàng”. Hàng trăm nhà đầu tư chất lượng khắp thế giới đã được Deep C “làm mối” đến với Việt Nam với tổng số vốn FDI tăng gấp bảy lần chỉ sau sáu năm công ty này chuyển mình dưới sự dẫn dắt của CEO Bruno Jaspert.
Cũng có cùng định hướng coi bền vững là trọng tâm chiến lược, từ một nhà máy nhỏ tại Củ Chi vào năm 2000, Sợi Thế Kỷ đã phát triển thành một trong những doanh nghiệp sản xuất sợi tổng hợp hàng đầu Việt Nam và khu vực, với quy mô 1.200 nhân sự, ba nhà máy hiện đại tổng diện tích 180.000m2. Tất cả đều đặt gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương toàn cầu.
Bà Chi cho biết, Sợi Thế Kỷ hiện có 690 khách hàng đang hoạt động trong tổng số hơn 800 đối tác quốc tế, phủ rộng các thị trường trọng điểm như Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico và Hoa Kỳ, dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ chuỗi cung ứng sợi toàn cầu.