Phụ nữ Indonesia đi đầu trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Sự thay đổi đang diễn ra xung quanh chúng ta mỗi ngày. Một trong những động lực lớn của sự thay đổi này chính là trí tuệ nhân tạo (AI). Nó thúc đẩy sự đổi mới từ công việc, học tập đến cuộc sống hàng ngày. Những câu chuyện đầy cảm hứng dưới đây cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc thúc đẩy đổi mới và định hình tương lai số của Indonesia.

Dùng trí tuệ nhân tạo cải thiện dịch vụ công

Là một nhân viên tại Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Nam Sulawesi (Sulawesi, Indonesia), cô Dewi Sartika Salam đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý và phân tích dữ liệu giáo dục để làm căn cứ đầu vào cho việc tham mưu chính sách. Với nền tảng về thống kê, cô đã quen với việc xử lý dữ liệu định lượng và định tính để nhận diện xu hướng, đánh giá nhu cầu giáo dục ở khu vực Nam Sulawesi.

Trước đây, cô chưa từng sử dụng AI như một công cụ để phân tích dữ liệu giáo dục với quy mô lớn. Dewi và các đồng nghiệp đã tham gia chương trình elevAIte Indonesia - một sáng kiến nhằm trang bị kỹ năng AI cho 1 triệu người Indonesia. Khóa đào tạo có tên "Xây dựng năng lực cho nhân viên Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Nam Sulawesi với công nghệ AI" được giới thiệu thông qua một trong các đối tác của chương trình elevAIte là Biji-Biji Initiative.

Thông qua khóa đào tạo này, Dewi đã được giới thiệu về Microsoft Copilot, một công cụ hỗ trợ mở rộng khả năng phân tích, bao gồm việc lọc và nhận diện các mẫu dữ liệu nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, chuyên môn của Dewi vẫn rất quan trọng. Sự đánh giá của cô đảm bảo rằng, những thông tin và chỉ số được tạo ra có liên quan đến tình hình thực tế và những thách thức đặt ra trong lĩnh vực giáo dục, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính xác hơn.

Ngoài việc củng cố vai trò của bản thân, Dewi cũng nhận thấy tiềm năng của AI trong việc trao quyền cho giáo viên và các công chức khác. Cô nhiệt tình chia sẻ kiến thức AI với các giáo viên ở các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở cấp tiểu học và trung học, để họ có thể sử dụng AI trong việc đánh giá, báo cáo kết quả học tập của học sinh, xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng học tập…

Cô cũng hỗ trợ cộng đồng các bà nội trợ địa phương đổi mới suy nghĩ, hình thành tư duy phản biện thông qua AI, sau đó có thể ứng dụng vào các hoạt động hàng ngày, bao gồm việc giải quyết các bài toán của con nhanh hơn. Dewi tin rằng, AI có tiềm năng lớn trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ và hỗ trợ chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ công.

Cô giáo Nura Uma Annisa giúp học sinh khám phá các khái niệm STEM

Cô giáo Nura Uma Annisa giúp học sinh khám phá các khái niệm STEM

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nuôi dạy con

Sau khi lấy bằng Thạc sĩ Kế toán, Diana Putri quyết định tập trung vào gia đình. Giữa lịch trình bận rộn, niềm đam mê học hỏi của cô không bao giờ nguôi. Cô muốn tiếp tục phát triển bản thân trong khi vẫn đảm đương việc chăm sóc hai đứa con.

Thông qua một người bạn, cô đã phát hiện ra chương trình Perempuan Pandai AI (PandAI), một sáng kiến do NUCare Global (thuộc LAZISNU) điều hành, là đối tác của chương trình elevAIte Indonesia. PandAI chuyên giới thiệu AI đến người dùng ở nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau, từ sinh viên, người lao động di cư, phụ nữ lớn tuổi, nội trợ đến doanh nhân, giúp họ ứng dụng AI vào cuộc sống hàng ngày. Ban đầu, Diana tham gia chương trình vì tò mò nhưng theo thời gian, cô nhận ra rằng, AI không chỉ là công nghệ của tương lai mà còn là một công cụ có thể giúp cô trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ nuôi dạy con cái đến kinh doanh.

Là mẹ của hai đứa trẻ nhỏ, Diana thường xuyên đối mặt với những thách thức trong việc chọn lọc các tài liệu nuôi dạy con đáng tin cậy. Copilot hiện giúp cô lọc và tóm tắt các lời khuyên về nuôi dạy con cái, giúp cô nhanh chóng tìm được các tài liệu tham khảo đáng tin cậy. Với Copilot, Diana có thể đưa ra những câu trả lời dễ hiểu cho các con. AI cũng giúp cô tìm kiếm các ý tưởng hoạt động sáng tạo cho các con, như trò chơi được thiết kế bằng những nguyên liệu sẵn có trong nhà hoặc công thức nấu ăn mà Diana có thể cùng làm với các con.

Diana đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh với sự trợ giúp của AI. Copilot giúp cô tìm ý tưởng kinh doanh, hiểu về chiến lược marketing và thu thập thông tin về cách xây dựng một doanh nghiệp từ con số 0. Đối với Diana, AI không chỉ là công nghệ mà còn giúp cô quản lý các khía cạnh cuộc sống một cách tối ưu và có ý nghĩa hơn. "Tôi hy vọng nhiều phụ nữ sẽ không nhìn AI như một thứ khó tiếp cận mà như một công cụ có thể giúp chúng ta trong nhiều công việc. Không có gì sai khi thử nghiệm. Học hỏi là điều tốt và chắc chắn sẽ có ích", Diana kết luận.

Đổi mới phương pháp giáo dục

Đối với Nura Uma Annisa, việc làm giáo viên có nghĩa là học hỏi cũng nhiều như giảng dạy, đó là một hành trình suốt đời. Từ khi tham gia Microsoft Innovative Educator Experts (MIEE) năm 2012, cô đã tìm kiếm những cách thức mới để làm cho việc học trở nên sáng tạo hơn. Với nền tảng trong công nghệ giáo dục do Nura thiết kế, cô đã giành được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực giáo dục số. Tuy nhiên, cô nhận ra rằng công nghệ luôn phát triển và AI chính là bước tiếp theo cô phải làm chủ.

Khi cô biết đến chương trình elevAIte Indonesia, Nura đã xem đây là cơ hội để hiểu AI không chỉ như một công cụ. Với sự hỗ trợ của cộng đồng trường học, MIEE và Đào tạo Huấn luyện viên (ToT) từ các đối tác của Microsoft, cô đã hoàn thành khóa học. Cô trở thành một trong những giáo viên được cấp chứng nhận Kiến thức cơ bản về AI (AI-900), chứng nhận giới thiệu các khái niệm cơ bản về AI cũng như dịch vụ Microsoft Azure có thể sử dụng để tạo ra các giải pháp dựa trên AI.

Tại Trường Tiểu học Nasima, Nura không chỉ là giáo viên Tin học mà còn tích cực hướng dẫn các giáo viên khác sử dụng công nghệ để cải thiện trải nghiệm học tập trong lớp, như tạo tài liệu giảng dạy bằng Microsoft Designer và Copilot. Một trong những sáng tạo cô thực hiện là sử dụng Minecraft Education, một nền tảng học tập dựa trên trò chơi, giúp học sinh khám phá các khái niệm STEM như giải quyết vấn đề và hợp tác qua các trải nghiệm tương tác. Với các yếu tố thực tế tăng cường (AR) được tích hợp, học sinh có thể mang các đối tượng kỹ thuật số vào thế giới thực, xây dựng các mô phỏng và học theo.

Nguồn: microsoft.com

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-indonesia-di-dau-trong-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-20250408153602123.htm
Zalo