Vốn tỷ đô phụ thuộc vào nước ngoài, bài học cho phát triển nguồn điện Việt Nam

Khó huy động vốn vay, thiếu cơ chế, thị trường điện chậm triển khai là những vấn đề chính khiến dự án nguồn điện chậm trễ. Việt Nam cần đột phá để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vấn đề thiếu điện luôn được báo động nhiều năm nay. Câu chuyện nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc bị cắt điện mùa hè năm 2023 vẫn còn đó nỗi ám ảnh cho một số hộ dân, doanh nghiệp.

Mới đây, báo cáo lên Thủ tướng, Bộ Công thương nhiều lần nhắc đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng giai đoạn năm 2026-2030 nếu loạt dự án nguồn điện lớn không kịp tiến độ đề ra của Quy hoạch điện VIII. Trong đó, có cả điện than, điện khí, điện năng lượng tái tạo - NLTT…

Vốn tỷ đô phụ thuộc vào nước ngoài

Nhìn lại 10 năm phát triển nguồn điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, nguyên nhân chậm trễ, thậm chí không thể triển khai đầu tư xây dựng nhiều nguồn điện là do 3 vấn đề chính.

Các dự án nguồn điện từ 800-1.000 MW đều cần vốn đầu tư hàng tỷ đô la. Ảnh: Dự án điện gió Sóc Trăng 7.

Các dự án nguồn điện từ 800-1.000 MW đều cần vốn đầu tư hàng tỷ đô la. Ảnh: Dự án điện gió Sóc Trăng 7.

Đó là, khó khăn trong huy động nguồn vốn. Các dự án nguồn điện từ 800-1.000 MW đều cần vốn đầu tư hàng tỷ đô la, hầu như chủ yếu dựa vào vay vốn nước ngoài. Đầu tư các dự án NLTT có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khả năng thu hồi vốn chậm.

Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống khoảng 80.555 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện NLTT (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW và chiếm tỷ trọng 26,9%; nhiệt điện than là 26.757 MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%,; điện khí chiếm 8,9%; nhiệt điện dầu và nguồn khác chiếm 1,4%; công suất nguồn điện nhập khẩu khoảng 1%.

"Nếu không có các cơ chế rõ ràng, minh bạch và có thể hoàn vốn đầu tư, các chủ dự án sẽ không bao giờ dám triển khai thực sự", ông Tuấn nói.

Các vướng mắc khác ở chính quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Tuấn, các cơ chế khuyến khích phát triển NLTT còn chưa có định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập.

Với điện gió ngoài khơi, do là loại hình nguồn mới, Việt Nam chưa có các quy định về khảo sát khu vực biển để triển khai.

Đặc biệt, thị trường điện chậm triển khai; giá bán điện chưa theo kịp biến động của giá cả các yếu tố đầu vào, gây tâm lý không yên tâm với nhà đầu tư nguồn điện mới…

Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển khẩn cấp

Cho rằng sự chậm trễ thời gian qua là bài học cho phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá: với các dự án ưu tiên, quan trọng quốc gia cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt, song song với việc tháo gỡ vướng mắc từ các cấp có thẩm quyền, không để tiếp tục tình trạng các dự án chậm nhiều năm, ví dụ như chuỗi khí – điện Lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh.

Với các dự án điện LNG - loại nhiên liệu mới đối với Việt Nam, tổng quy mô đầu tư lên tới 20 tỷ USD từ nay đến năm 2030, cần có các cơ chế đặc biệt để các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân có thể huy động được nguồn vốn, có các căn cứ thuyết phục được bên cho vay vốn về đảm bảo hiệu quả kinh tế dự án.

Chính sách giá điện cần thị trường hóa để thu hút đầu tư. Ảnh: EVN.

Chính sách giá điện cần thị trường hóa để thu hút đầu tư. Ảnh: EVN.

Vì vậy, ông Tuấn kiến nghị cấp thẩm quyền sớm ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển khẩn cấp. Lưu ý cho các dự án như: 2 chuỗi khí - điện là Lô B - Ô Môn (3.150 MW) và Cá Voi Xanh (3.750 MW); khoảng một nửa quy mô công suất điện gió ngoài khơi cần đưa vào đến năm 2030 (khoảng 3.000 MW); khoảng 3-4 dự án điện LNG với khoảng 6.000 MW trong Quy hoạch điện VIII.

"Các dự án trong quy mô trên được thực hiện với hình thức thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm để chọn hình thức phù hợp cho các dự án tiếp theo", ông Tuấn góp ý.

Cơ chế giá bán điện, theo ông Tuấn, cần được điều chỉnh linh hoạt, minh bạch và nhanh chóng theo các yếu tố đầu vào, là yếu tố cốt lõi quyết định cho phát triển thị trường điện thực sự cạnh tranh, thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả, đồng thời là động lực cho các nhà đầu tư nguồn điện mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần sớm cho nghiên cứu ban hành cơ chế dịch vụ phụ trợ hệ thống điện với các nguồn lưu trữ, linh hoạt để huy động nguồn lực đầu tư các loại hình này, đảm bảo huy động tỷ lệ cao và hiệu quả các nguồn NLTT trong cơ cấu nguồn.

Còn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NLTT, lãnh đạo hiệp hội này kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế đấu thầu để địa phương chọn chủ đầu tư các dự án điện NLTT (điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ rác thải). Từ đó chọn được các nhà thầu có đủ năng lực về vốn - tài chính.

Các dự án NLTT chuyển tiếp cần được sớm giải quyết dứt điểm, "không hợp thức cái sai", nhưng cần xử lý hợp lý, hợp tình để không lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời khai thông cho các dự án điện mới.

Nhận định các nguồn điện NLTT đã phát triển nhanh thời gian qua nhờ các chính sách ưu đãi, quy mô công suất khoảng 583 MW vào năm 2018 đã tăng lên 21.664 MW, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị sớm ban hành các chính sách phát triển nguồn điện NLTT, trong đó ưu tiên phát triển tại miền Bắc trong giai đoạn 2025-2027 để tăng cường nguồn cung.

Để làm được, theo EVN, cần hoàn thiện cơ chế giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phát triển NLTT kết hợp pin tích trữ…

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/von-ty-do-phu-thuoc-vao-nuoc-ngoai-bai-hoc-cho-phat-trien-nguon-dien-viet-nam-192240924072944913.htm
Zalo