Các ngân hàng trung ương châu Á vẫn dè dặt giảm lãi suất
Dù Fed đã khởi đầu xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á vẫn chưa có hành động quyết liệt.
Theo Nikkei Asia, đầu năm nay, nhiều quốc gia châu Á mong muốn hạ lãi suất để kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất trước Mỹ là một thử thách mạo hiểm, khi lãi suất quỹ liên bang Mỹ duy trì mức cao nhất trong 23 năm.
Tình hình lãi suất phức tạp
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mạnh 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất về mức 4,75-5%. Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ này của ngân hàng trung ương Mỹ giúp các ngân hàng trung ương châu Á có thêm cơ hội để cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết các quốc gia châu Á vẫn chưa có động thái quyết liệt để điều chỉnh chính sách lãi suất, trái với dự đoán hồi đầu 2024.
Bà Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Vanguard, nhận định: “Các ngân hàng trung ương châu Á có khả năng cắt giảm lãi suất, nhưng không cần phải vội. Họ sẽ theo dõi diễn biến của Fed và sự biến động bên ngoài, từ đó tiến hành thận trọng hơn”.
Các yếu tố bên ngoài có thể gây ra biến động, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 khi ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã cam kết áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% với hàng từ Trung Quốc nếu ông trở lại Nhà Trắng.
Ông Adarsh Sinha, đồng trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối và lãi suất châu Á tại BofA Global Research, dự báo GDP của ASEAN sẽ tăng 4,7% vào năm sau, và các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ dần tiến vào “chu kỳ giảm lãi suất” không quá 25 điểm cơ bản mỗi quý. Ông cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản vào cuối năm nay và 125 điểm cơ bản trong năm tới.
Châu Á thận trọng
Malaysia được coi là trường hợp ngoại lệ trong khu vực ASEAN khi ngân hàng trung ương nước này dự kiến giữ nguyên lãi suất ở mức 3% cho đến năm sau do lạm phát và tăng trưởng kinh tế ổn định.
Ở Ấn Độ, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, nhận định rằng nước này ít phụ thuộc vào Fed hơn. HSBC dự báo ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức 6,5% vào tháng tới. Tuy nhiên, nếu giá thực phẩm và dầu giảm, Ấn Độ có thể cân nhắc cắt giảm lãi vào tháng 12.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), các nhà hoạch định chính sách quyết định giữ lãi suất ở mức 2% do lạm phát kéo dài và thị trường bất động sản. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt 1 năm ở mức 3,35% và 5 năm ở mức 3,85%.
Hàn Quốc cũng mong muốn giảm lãi suất, nhưng các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng việc này có thể làm tăng nợ hộ gia đình và làm nóng thị trường bất động sản.
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 6/9 bởi Aichi Amemiya và nhóm nghiên cứu của ông, Hàn Quốc có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng tới. Hiện, lãi suất cơ bản của nước này đang ở mức 3,5%, cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, theo dự đoán, ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ chỉ cắt giảm 3 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản, từ nay đến cuối năm 2025.
Trong khi đó, Indonesia và Philippines thậm chí đã cắt giảm lãi suất trước khi Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cụ thể, Indonesia đã giảm 25 điểm cơ bản và Philippines giảm lãi suất xuống 6,25%. Vào tháng 8, Ngân hàng Trung ương New Zealand cũng đã giảm lãi suất xuống còn 5,25%.
Bà Wang, chuyên gia kinh tế tại Vanguard, cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục giữ vững giá trị trong năm nay và năm sau. Bà dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 1-1,5% vào năm sau, thấp hơn mức dự báo 2% của năm 2024. “Vì vậy, tôi không nghĩ rằng Fed cần phải cắt giảm lãi suất quá mạnh”, bà nhận định.
Bà khẳng định dù nền kinh tế Mỹ đang suy yếu, đồng USD sẽ không giảm giá trị quá đáng kể.