Đông Nam Á cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt năng lượng khi bão Yagi tàn phá khu vực

Tại trung tâm Đông Nam Á, một nỗi lo lớn vẫn đang đeo bám tất cả các quốc gia và sự thiếu quan tâm kéo dài có thể làm chệch hướng câu chuyện thành công về kinh tế của khu vực mà ASEAN đã xây dựng trong nhiều năm - an ninh năng lượng.

 Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam mang theo trận mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất nghiêm trọng. Ảnh Xuân Quang, AFP

Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam mang theo trận mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất nghiêm trọng. Ảnh Xuân Quang, AFP

Từ Lào, Myanmar đến Philippines, tình trạng thiếu điện và khả năng tiếp cận, đặc biệt là ở các vùng nông thôn vẫn là cơn ác mộng đối với người dân - nơi các trường học và trung tâm chăm sóc sức khỏe đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện trầm trọng.

“Sự suy giảm an ninh năng lượng gây ra những rủi ro đáng kể, không chỉ đối với sự ổn định kinh tế mà còn đối với sự gắn kết xã hội trong các quốc gia này. Chính phủ các nước ASEAN cần phải hành động quyết đoán để tăng cường cơ sở hạ tầng năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và đầu tư vào các công nghệ tái tạo.

“Bằng cách làm như vậy, họ có thể đảm bảo một bối cảnh năng lượng bền vững và phục hồi đáp ứng nhu cầu của người dân trong khi thúc đẩy hợp tác khu vực”, Tiến sĩ Han Phoumin, chuyên gia kinh tế năng lượng cấp cao của Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) có trụ sở tại Jakarta, trả lời phỏng vấn qua email với Bernama.

Là nơi có dân số tăng nhanh chóng với gần 670 triệu người, khu vực này có nền kinh tế đa dạng, nhộn nhịp, khao khát năng lượng, chủ yếu nhờ vào quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng.

Báo cáo “Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 7” dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng khoảng 23% vào năm 2025 so với mức năm 2020, tăng lên 473,1 Mtoe (triệu tấn dầu tương đương) từ mức 385 Mtoe.

Báo cáo cho biết, nhu cầu năng lượng của khu vực dự kiến sẽ tăng gấp ba lần so với mức năm 2020 vào năm 2050 và nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào của chính sách, nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ tiếp tục thống trị ngành này cho đến năm 2050.

Vấn đề an ninh năng lượng đang trở nên cấp bách, với tình trạng thiếu điện và khả năng tiếp cận hạn chế ảnh hưởng đến cả khu vực thành thị và nông thôn ở các nước ASEAN đang phát triển.

Tất cả các quốc gia, bao gồm cả ASEAN, đang phải đối mặt với những thách thức cấp bách và quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả, theo báo cáo.

“Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong khi theo đuổi mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính (GHG) tại ASEAN sẽ đòi hỏi phải đầu tư rất lớn vào năng lực sản xuất điện, từ các chiến lược phi carbon hóa như năng lượng tái tạo và mở rộng hệ thống điện”, ông Han cho biết.

ASEAN đang phải đối mặt với một bài toán nan giải về năng lượng - cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với sản xuất năng lượng bền vững trước biến đổi khí hậu đang gây hại cho nền kinh tế và sinh kế của người dân nông thôn.

“Sản xuất điện bằng than và khí đốt không thân thiện với môi trường sẽ tiếp tục chiếm hơn 40% trong cơ cấu năng lượng và dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2050 – chủ yếu do tuổi đời còn trẻ của các nhà máy điện than ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á”, ông Han nói.

“Nhận thấy rằng nhiều quốc gia ASEAN sẽ vẫn còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần, đặc biệt cần phải đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon, đẩy nhanh các công nghệ tái tạo và các công nghệ carbon âm khác trên khắp ASEAN”, ông nhấn mạnh.

Các quốc gia ASEAN có thể khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào của mình, như năng lượng mặt trời và gió, để xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững và kiên cường.

Các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông - Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam - cùng với các quốc gia khác trong ASEAN - Indonesia và Malaysia - có nguồn tài nguyên thủy điện và sinh khối dồi dào.

“Sự thâm nhập cao của thủy điện, điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối tại ASEAN có thể được thúc đẩy thông qua kết nối và thương mại điện trong tương lai trong toàn bộ khu vực”, ông Han cho biết.

Ông kêu gọi đẩy nhanh tài chính năng lượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng để đảm bảo rằng các quốc gia có thể huy động đủ nguồn vốn để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của họ. Tài chính vẫn là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với các công nghệ sạch mới và đang phát triển.

Trong khi các chuyên gia sẽ tham dự “Hội nghị quốc tế ASEAN về năng lượng và môi trường lần thứ tư” vào tuần này tại Viêng Chăn, thủ đô của Lào, quốc gia này đang phục hồi sau hậu quả của cơn bão Yagi tàn khốc tấn công vào đầu tháng 9.

Hơn 500 người đã thiệt mạng tại Lào, Myanmar và Việt Nam, và hệ thống viễn thông cùng cơ sở hạ tầng điện đã bị hư hại.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dong-nam-a-canh-bao-ve-nguy-co-thieu-hut-nang-luong-khi-bao-yagi-tan-pha-khu-vuc-717986.html
Zalo