Vốn lớn, chính sách mạnh cho năng lượng xanh

Chuyên gia nhận định tiềm năng cho một chu kỳ đầu tư mới vào năng lượng tái tạo sau một thời gian dài thiếu các cơ chế, chính sách rõ ràng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Với ưu tiên phát triển tối đa năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được cho là có khả năng mở ra một chu kỳ đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, do đó, cần tăng rất nhanh về quy mô điện năng và thay đổi rất mạnh về cơ cấu. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh giảm tối đa nguồn điện hóa thạch và tăng tối đa nguồn điện năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời), phát triển các nguồn năng lượng mới, sạch (như điện khí, điện hạt nhân). Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu công suất điện đầy tham vọng, đến năm 2030 tăng từ 122-187% so với năm 2024 để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP cao giai đoạn 2025-2030.

Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến đạt 650-624 tỷ kWh đến năm 2030, cao hơn so với năm 2024 từ 82-102%.

Mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho tăng trưởng GDP bình quân 10% trong giai đoạn 2026 - 2030. Để đạt được mục tiêu này, tổng công suất điện đến năm 2030 dự kiến đạt 183-236 GW, tăng 122-187% so với năm 2024 và tăng 16-49% so với Quy hoạch điện VIII trước đó.

Ngoài ra, hệ thống lưới điện cũng sẽ được chú trọng đầu tư để đảm bảo năng lực truyền tải điện, đơn cử như xây dựng mới 12.944 km đường dây truyền tải và cải tạo 1.404 km đường dây 500kV.

Để đạt được các cam kết về môi trường, phát triển nguồn điện than vẫn sẽ bị hạn chế trong quy hoạch mới này. Do đó, điện khí (bao gồm LNG) dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng là nguồn điện nền cho toàn hệ thống.

Ngoài ra, Chính phủ cũng bổ sung điện hạt nhân vào kế hoạch với mục tiêu vận hành 4-6,4 GW trong giai đoạn 2030-2035 và chuyển thời điểm vận hành điện gió ngoài khơi sang giai đoạn này với mục tiêu 6-17 GW.

Đáng chú ý, trong khi mục tiêu công suất thủy điện, điện than và điện khí vẫn giữ nguyên, mục tiêu công suất năng lượng tái tạo đến năm 2030 được nâng thêm từ 50-130% so với Quy hoạch điện VIII trước đó và cao hơn 3,4-5,2 lần so với công suất năm 2024.

Công suất điện mặt trời được điều chỉnh tăng mạnh nhất, tăng 2,3-3,6 lần so với Quy hoạch điện VIII trước đó, có thể là nhờ lợi thế dễ lắp đặt trong thời gian ngắn, trong khi công suất gió cũng được điều chỉnh tăng 1,2-1,7 lần.

Chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Chúng tôi thấy tiềm năng cho một chu kỳ đầu tư mới vào năng lượng tái tạo sau một thời gian dài thiếu các cơ chế, chính sách rõ ràng”.

Năng lượng tái tạo sẽ có dư địa tăng trưởng lớn nhất theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Công suất điện mặt trời đến năm 2030 được điều chỉnh tăng nhiều nhất, tăng 2,3-3,6 lần so với Quy hoạch điện VIII cũ, trong khi công suất điện gió dự kiến tăng 1,2-1,7 lần.

Công nhân Truyền tải điện Bình Định phối hợp hỗ trợ trong bay flycam kiểm tra thiết bị tại Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 1,2,3. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Công nhân Truyền tải điện Bình Định phối hợp hỗ trợ trong bay flycam kiểm tra thiết bị tại Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 1,2,3. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng ưu tiên và khuyến khích phát triển điện gió và điện mặt trời tiêu thụ tại chỗ mà không cần đấu nối hoặc bán điện lên lưới điện quốc gia. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2025-2030 và sau đó.

Ưu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo được chứng minh ở sự gia tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40-47% tổng công suất toàn hệ thống so với mức 26% hiện nay và 30,6% trong Quy hoạch điện VIII trước đó.

Ngoài ra, tỷ lệ điện khí (bao gồm LNG) đến năm 2030 cũng tăng từ mức 10,5% hiện tại lên mức 16-18% tổng hệ thống, thay thế một phần vai trò của các nguồn điện than là nguồn điện nền, vốn sẽ giảm từ mức 32,5% hiện tại xuống còn 13-17% vào năm 2030.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, nhu cầu vốn lớn vẫn sẽ là mối lo ngại chính. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam cần huy động nguồn vốn rất lớn vào đầu tư nguồn điện, xấp xỉ 136 tỷ USD cho giai đoạn 2026-2030 và xấp xỉ 114 tỷ USD cho giai đoạn 2031-2035, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Do nguồn lực công có hạn, khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò chủ chốt trong giai đoạn tới. Điều này càng nhấn mạnh đến nhu cầu về các cơ chế và khung pháp lý rõ ràng, phù hợp và nhất quán từ các cơ quan chức năng để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn điện, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), dù đã xây dựng quyết liệt các cơ chế thực hiện Quy hoạch điện VIII, việc triển khai vẫn gặp nhiều trở ngại. Nhiều dự án quan trọng đang chậm tiến độ, đặc biệt là nguồn nhiệt điện khí LNG, khi chỉ có 3/13 dự án đang triển khai đúng kế hoạch.

Các dự án tua-bin khí nội địa như Báo Vàng và Cá Voi Xanh gặp thách thức do chưa xác định rõ trữ lượng và tiến độ khai thác. Nhiều dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời gặp rào cản do giá điện chưa đủ hấp dẫn và quy trình thủ tục đầu tư còn phức tạp. Các dự án điện khí nhập khẩu yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thời gian chuẩn bị và xây dựng kéo dài.

Trong 11 dự án nhiệt điện than, hai dự án lớn là Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (công suất 1.320 MW) và Sông Hậu II (công suất 2.120 MW) đã lần lượt bị dừng triển khai và chấm dứt hợp đồng BOT.

Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi vẫn vướng mắc về quy hoạch không gian biển, cơ chế giao thí điểm và yêu cầu vốn đầu tư lớn, gây khó khăn trong triển khai. Với các cam kết quốc tế về Net Zero vào năm 2050, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Đây được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn.

TS. Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng chú ý cập nhật và nâng cấp, chuẩn hóa các tiêu chuẩn định mức kỹ thuật ngành và yêu cầu bảo vệ môi trường, làm căn cứ cho việc xét duyệt, thông qua, triển khai và kiểm tra, giám sát, cũng như kiểm toán các dự án đầu tư về yêu cầu tuân thủ, về hiệu quả và chính sách.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/von-lon-chinh-sach-manh-cho-nang-luong-xanh/372015.html
Zalo