Vốn của NHCSXH là một trong những 'trụ cột' trong các chính sách giảm nghèo
Chiều ngày 09/5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Trà Vinh do đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi giám sát tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Trà Vinh về việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, giai đoạn 2022 - 2024.

Đồng chí Cao Tiến Đoàn, Trưởng Phòng Tổ chức-Hành chính NHCSXH chi nhánh tỉnh Trà Vinh thông tin về mạng lưới tổ TK-VV hoạt động hiệu quả.
Tham gia đoàn giám sát HĐND tỉnh gồm các đồng chí: Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng đoàn; Thân Thị Ngọc Kiều, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách; Trần Văn Phong, Trưởng Ban Pháp chế; Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội; Thạch Giàu, Trưởng Ban Dân tộc…; lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh có đồng chí Nguyễn Thị Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh…
Tiếp và làm việc với đoàn, có các đồng chí: Lê Hoàng Phi, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Trà Vinh; Nguyễn Thị Minh Luyến, Trương Quang Vĩnh, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Trà Vinh; lãnh đạo các phòng, ban nghiệp vụ thuộc NHCSXH chi nhánh tỉnh Trà Vinh.

Lãnh đạo NHCSXH tham dự buổi giám sát.
Báo cáo với đoàn, đồng chí Lê Hoàng Phi, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Trà Vinh thông tin về kết quả thực hiện quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương nhận ủy thác giai đoạn 2022 - 2024 trên địa bàn tỉnh, cho vay theo các chương trình hơn 348,202 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022 - 2024, NHCSXH tỉnh giải ngân vốn tín dụng chính sách (TDCS) kịp thời đến đối tượng thụ hưởng; đồng thời, nâng chất lượng tín dụng, hỗ trợ người nghèo, phương thức quản lý TDCS được thực hiện thông qua điểm giao dịch và tổ giao dịch tại xã, phường, thị trấn; ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng qua 04 tổ chức chính trị - xã hội quản lý. Nhờ dó, NHCSXH tỉnh đã tổ chức mạng lưới 2.805 tổ TK-VV hoạt động đến 100% ấp, khóm trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Thân Thị Ngọc Kiều, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách yêu cầu quan tâm đến đối tượng vay.
Thông qua các nguồn vốn, NHCSXH đã giải ngân giai đoạn 2022 - 2024 giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế 522,077 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn phân bổ mới và vốn thu hồi từ các chương trình cho vay). Trong đó, năm 2022 là 103,197 tỷ đồng; năm 2023 là 182,850 tỷ đồng và năm 2024 là 236,030 tỷ đồng.
Các chương trình TDCS đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng các cấp; nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế, thu hút và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội; từ đó, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 3,56% (năm 2022) còn 0,87% (năm 2024), góp phần XDNTM trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Thạch Giàu, Trưởng Ban Dân tộc khẳng định nguồn vốn vay làm chuyển biến đời sống đồng bào Khmer.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác luôn đề cao trách nhiệm trong thực hiện các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động TDCS, chất lượng hoạt động của Tổ TK-VV; phối hợp cùng với Trưởng Ban Nhân dân ấp/khóm trực tiếp tham gia bình xét cho vay; chú trọng, tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Từ nguồn vốn TDCS, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có việc làm mới; hỗ trợ người lao động, người thất nghiệp, người thiếu việc làm tự tạo việc làm tại địa phương; giúp học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn đi học tập, lao động ở nước ngoài; thanh niên, nông dân, phụ nữ khởi nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh.

Đồng chí Lê Hoàng Phi, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Trà Vinh báo cáo kết quả thực hiện giải ngân giai đoạn 2022-2024.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hoàng Phi, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Trà Vinh kiến nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cần phát huy vai trò tập hợp lực lượng, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với hoạt động TDCS.
Cần phối hợp chặt chẽ với NHCSXH đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về TDCS để người dân và các đối tượng thụ hưởng hiểu rõ chủ trương, chính sách, mạnh dạn vay vốn, đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống; thực hiện tốt trách nhiệm trong sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ đúng hạn theo quy định.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ đánh giá cao những kết quả đạt được. Vốn của NHCSXH đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận buổi giám sát.
Giai đoạn 2022 - 2025, hoạt động TDCS luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của NHCSXH, TDCS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với TDCS được nâng lên.
Vốn TDCS đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò của TDCS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là một trong những “trụ cột” trong các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và XDNTM.