Vòm Vàng: Nỗ lực khổng lồ bảo vệ nước Mỹ và tác động nguy hiểm - Kỳ 1
Lá chắn tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome) là một kế hoạch vô cùng tham vọng và tốn kém, có thể mang lại những tác động sâu rộng vượt xa mục tiêu bảo vệ bầu trời nước Mỹ.
Nỗ lực khổng lồ bảo vệ nước Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 20/5/2025 đã công bố dự án phòng thủ tên lửa Vòm vàng (Golden Dome). Ảnh cắt từ clip của White House/X
Chuyên trang quân sự TWZ cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 20/5 vừa qua đã tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng sẽ tiêu tốn khoảng 175 tỷ USD và sẽ đi vào hoạt động “trong chưa đầy ba năm” với “tỷ lệ thành công gần như 100%”. Ông Trump chia sẻ thêm nhiều chi tiết mới về chương trình lá chắn tên lửa đầy tham vọng, rất đắt đỏ và gây nhiều tranh cãi nhằm bảo vệ nước Mỹ. Đây là bước đi tiếp theo sau một trong những hành động chính thức đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của ông Trump: ra lệnh cho quân đội Mỹ tiến hành kế hoạch xây dựng quy mô lớn một hệ thống phòng thủ để đối phó với các mối đe dọa tên lửa tiên tiến.
“Khi được xây dựng hoàn chỉnh, Vòm Vàng sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa ngay cả khi chúng được phóng từ phía bên kia thế giới, thậm chí nếu được phóng từ không gian, và chúng ta sẽ có hệ thống tốt nhất từng được chế tạo”, ông Trump cho biết.
Mức chi phí được ông Trump đưa ra đối lập hoàn toàn với các dự báo vượt quá nửa nghìn tỷ USD, đồng thời làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang trong không gian và phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth giải thích rằng hệ thống này sẽ được thiết kế để “bảo vệ đất nước” khỏi các loại vũ khí như “tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm, thiế bị bay không người lái, dù mang đầu đạn thông thường hay hạt nhân”.
Khoản tài trợ đầu tiên trị giá 25 tỷ USD sẽ nằm trong “Đạo luật Một Dự luật Tuyệt đẹp”, một dự luật toàn diện nhằm thực hiện các ưu tiên về thuế và nhập cư của Tổng thống Trump.
Theo ông Trump, Tướng Michael Guetlein của Lực lượng Không gian, hiện là Phó Tổng tham mưu trưởng Tác chiến Không gian, một người mà ông đánh giá là “có nền tảng không ai sánh bằng trong công nghệ cảnh báo tên lửa và mua sắm quốc phòng” sẽ dẫn dắt nỗ lực này với vai trò “giám đốc chương trình báo cáo trực tiếp về Vòm Vàng”.
Phát biểu trên cương vi được giao, Tướng Guetlein cho biết: “Các đối thủ của chúng ta đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, chế tạo tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn, phát triển tên lửa siêu vượt âm có khả năng tấn công Mỹ trong vòng một giờ với tốc độ 9.600 km/h, phát triển tên lửa hành trình có thể luồn lách qua radar và hệ thống phòng thủ của chúng ta, và phát triển tàu ngầm có thể áp sát bờ biển Mỹ, tệ nhất là đang chế tạo vũ khí không gian”. Cho nên, theo Tướng Guetlein, “ã đến lúc chúng ta thay đổi cán cân đó và tập trung mạnh mẽ hơn vào việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ”.
Tuy nhiên, cuộc họp báo không đưa ra nhiều chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động của hệ thống Vòm Vàng ngoài tuyên bố của ông Trump rằng Mỹ là nước duy nhất có siêu công nghệ này, Vòm Vàng sẽ tích hợp với các năng lực phòng thủ hiện tại và sẽ vận hành đầy đủ trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Trump.
Theo những thông tin trước đó, nỗ lực này sẽ diễn ra ít nhất một phần trong không gian quỹ đạo, với mục tiêu tiêu diệt các mối đe dọa trước khi chúng tới gần nước Mỹ, lý tưởng nhất là ngay trong giai đoạn tăng tốc (boost phase), gần điểm phóng.
Tướng Chance Saltzman, Tổng tham mưu trưởng Tác chiến Không gian, hồi tháng 3/2025 cũng từng nói trong một cuộc phỏng vấn phát trên mạng: “Không chỉ là chúng ta muốn có các thiết bị đánh chặn đặt trong không gian, mà chúng ta muốn chúng hoạt động ngay trong giai đoạn tăng tốc. Chúng phải nhanh, và cực kỳ chính xác”.
Giai đoạn tăng tốc (boost phase) là lúc các tên lửa đạn đạo, cũng như các phương tiện lướt siêu vượt âm (boost-glide) đang di chuyển chậm nhất và dễ bị tấn công nhất. Luồng khí nóng phát sáng khi động cơ đẩy hoạt động giúp dễ dàng phát hiện và theo dõi mục tiêu để đánh chặn. Tuy nhiên, khoảng thời gian can thiệp này rất ngắn và thường nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, đặt ra nhiều thách thức, nhất là với các hệ thống phòng thủ đặt căn cứ máy bay, tàu chiến hoặc mặt đất.
Ngoài ra, một nhóm vệ tinh cảnh báo sớm và theo dõi tiên tiến sẽ cần được triển khai trên quỹ đạo để hỗ trợ cho Vòm Vàng. Nhiều phần công việc này đã bắt đầu, nhưng sẽ được đẩy mạnh và mở rộng đáng kể với tầm nhìn và sáng kiến mới của chính quyền Trump.
Các thiết bị đánh chặn và cảm biến trên mặt đất cũng sẽ là thành phần của hệ thống Vòm Vàng, bao gồm khả năng đánh chặn trong giai đoạn cuối (terminal phase) và giai đoạn giữa (mid-course) đối với tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm. Hệ thống cũng sẽ đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng từ tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái (UAV), theo lời Bộ trưởng Hegseth, dù trước đây trọng tâm thường là tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm.
Bên cạnh đó, như được xác nhận trong cuộc họp báo, các cảm biến và vũ khí hiện có cũng như các cảm biến và vũ khí mới sẽ được tích hợp vào hệ thống. Toàn bộ hệ thống sẽ hoạt động như một mạng lưới nhiều lớp, sử dụng các kiến trúc điều khiển và chỉ huy tiên tiến cũng như năng lực kết nối hiện đại để hoạt động hiệu quả.
Vòm Vàng sẽ có kiến trúc mở và không bị ràng buộc với bất kỳ nhà thầu cố định nào, nhằm tạo điều kiện cho việc tích hợp nhanh các năng lực mới và thúc đẩy cạnh tranh trong mua sắm và bảo trì.
Vào tuần trước, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã công bố một báo cáo không mật có tên “Vòm Vàng cho nước Mỹ: Các mối đe dọa tên lửa hiện tại và tương lai đối với lãnh thổ Mỹ”, nhằm mô tả các mối đe dọa mà một hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi như vậy sẽ phải đối mặt. Những mối đe dọa này bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa siêu vượt âm được phóng từ trên không, trên đất liền và từ dưới biển.
“Trong thập kỷ tới, các mối đe dọa tên lửa đối với lãnh thổ Mỹ sẽ mở rộng cả về quy mô lẫn độ tinh vi”, DIA giải thích và cho biết thêm rằng: “Trung Quốc và Liên bang Nga đang phát triển nhiều phương tiện phóng mới nhằm khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ, nhưng tên lửa đạn đạo truyền thống, được dẫn hướng trong giai đoạn bay có động cơ và không dẫn hướng trong giai đoạn bay tự do, sẽ vẫn là mối đe dọa chính đối với lãnh thổ Mỹ”.
Ngoài ra, theo DIA, “Triều Tiên đã thử nghiệm thành công các tên lửa đạn đạo có tầm bắn đủ để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ trong khi Iran đang sở hữu các phương tiện phóng vệ tinh có thể được chuyển đổi thành ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa) có khả năng quân sự vào năm 2035 nếu Tehran quyết định theo đuổi năng lực này. Phần lớn các hệ thống được đề cập đều có biến thể có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”.
Việc vượt qua các hệ thống phòng thủ chiến lược hiện nay đã là một nỗ lực rất thực tế của Liên bang Nga và, ở mức độ thấp hơn, là Trung Quốc. Điều này diễn ra trong bối cảnh lá chắn tên lửa chiến lược hiện tại của Mỹ còn tương đối yếu, chỉ phù hợp để đối phó với các cuộc tấn công quy mô nhỏ từ các quốc gia bất hảo (từ Mỹ dùng để chỉ các quốc gia gây nên các mối đe dọa cho hòa bình thế giới).
Việc quân sự hóa không gian, bao gồm cả việc đặt vũ khí động năng trên quỹ đạo, cũng là điều cần xem xét. Tiền lệ này sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang vốn đã tăng tốc mạnh mẽ trong không gian, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các năng lực đối kháng không gian từ các đối thủ chính của Mỹ. Mặc dù không gian đang dần trở thành một chiến trường hiện thực, nhưng hệ thống Vòm Vàng có thể khiến nó trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ mà các hệ thống phòng thủ tên lửa như thế này gây ra cho các đối thủ trong quá khứ thường dẫn đến những phản ứng thái quá, điều vốn không mang lại lợi ích gì. Việc phát triển vũ khí chiến lược có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ chiến lược hiện có là một hình thức phổ biến vũ khí mới rất khó đối phó. Ngư lôi không người lái mang đầu đạn hạt nhân Status-6 và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên bang Nga là hai ví dụ cho xu hướng này, cùng với các khái niệm tấn công từ quỹ đạo phân đoạn (fractional orbital bombardment). Một ví dụ khác là việc đặt thực sự các đầu đạn hạt nhân lên quỹ đạo – điều mà Liên bang Nga dường như đang tích cực theo đuổi. Nếu một phương thức truyền thống để đưa đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu bị vô hiệu hóa hoặc bị đe dọa nghiêm trọng, thì một phương thức khác sẽ được tìm kiếm – điều này phá vỡ tính dự đoán chiến lược và khiến việc phòng thủ trước một cuộc tấn công hạt nhân trở nên tốn kém hơn nhiều.
Đón đọc kỳ cuối: Cuộc chạy đua vũ trang khiến không gian ngày càng nguy hiểm