Vòm Sắt cho nước Mỹ: Lá chắn tên lửa thế hệ mới hay sự trở lại của Star Wars
Lá chắn tên lửa 'Vòm sắt cho nước Mỹ' của Tổng thống Donald Trump được cho là sự tiếp nối chương trình 'Star Wars' thời Tổng thống Ronald Reagan.
Trong một sắc lệnh hành pháp ký ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo quân đội bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình cũng như các vũ khí tấn công trên không khác.
Ông gọi nỗ lực mới này là “Vòm Sắt cho nước Mỹ”, cùng tên với hệ thống phòng thủ của Israel.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth phải trình kế hoạch xây dựng lá chắn thế hệ mới trong vòng 60 ngày. Nó có thể tạo ra cơ hội lớn cho các nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu như Lockheed Martin, Northrop Grumman và RTX.
Dù vậy, một số người bày tỏ lo ngại lá chắn mà ông Trump đề xuất có thể quá tốn kém, không khả thi về mặt kỹ thuật hoặc gây mất ổn định đối với sự cân bằng hạt nhân mong manh.
Các mối đe dọa đã thay đổi
Dự án mới của Mỹ phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng về năng lực của các đối thủ quân sự lớn trong việc phát triển và triển khai tên lửa tiên tiến - những vũ khí đòi hỏi cần có hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn để đối phó.
Các mối đe dọa đã thay đổi. Nga đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới, các tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đã phát triển vũ khí siêu thanh và ngay cả Triều Tiên cũng đang chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các loại tên lửa tiên tiến.
Việc đánh chặn tên lửa siêu thanh bằng các hệ thống phòng thủ truyền thống là rất khó vì các tên lửa này có tốc độ cao, quỹ đạo bay không đều và khả năng cơ động của chúng.
Mặt khác, ngay cả các mối đe dọa truyền thống cũng đặt ra thách thức lớn, vượt quá khả năng phòng thủ của Mỹ. Tên lửa hiện đại thường được trang bị các biện pháp đối phó để vượt qua các hệ thống đánh chặn, và kho vũ khí có quy mô khổng lồ của các đối thủ cũng vượt quá những gì phòng thủ của Mỹ có thể xử lý.
Các chuyên gia từ lâu đã nói rằng cần phải có thêm các tài sản triển khai trên không gian để đối phó với những mối đe dọa tên lửa đang nổi lên.
Tom Karako, một chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng các hệ thống đánh chặn từ không gian là rất quan trọng “vì trong tương lai không gian sẽ trở thành một chiến trường”.
Từ “Star Wars” đến “Vòm Sắt cho nước Mỹ”
Nỗ lực mới của Tổng thống Trump thực tế là hồi sinh Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) của Tổng thống Ronald Reagan, thường được gọi là “Star Wars” (tạm dịch là Chiến tranh giữa các vì sao).
Tổng thống Ronald Reagan từng có một tầm nhìn về một lá chắn tên lửa có thể thay đổi mô hình răn đe. Dự án bao gồm các khả năng trên mặt đất, hệ thống cảm biến, vũ khí năng lượng định hướng như laser, các hệ thống đánh chặn từ không gian và các hệ thống khác để cách mạng hóa phòng thủ trong kỷ nguyên hạt nhân.
Khi công bố SDI vào năm 1983, Tổng thống Reagan đã kêu gọi cộng đồng khoa học, những người đã tạo ra vũ khí hạt nhân, phát triển khả năng làm cho chúng trở nên lỗi thời và chấm dứt phương châm tiêu diệt lẫn nhau.
Chương trình quốc phòng đầy tham vọng này đã bị chỉ trích và bị gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” vì nguy cơ làm mất ổn định phương pháp răn đe truyền thống và khơi mào một cuộc đua vũ trang mới. Chương trình này đã bị hủy bỏ vào đầu những năm 1990 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng các thành phần của nó vẫn được duy trì trong Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) hiện nay - cơ quan giám sát hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa (GMD).
GMD là một phần của phòng thủ đa lớp nhưng có tỷ lệ đánh chặn thành công không quá ấn tượng. MDA đã hợp tác với các công ty như Boeing, Northrup Grumman và Lockheed, để cải thiện GMD thông qua các hệ thống và tên lửa đánh chặn thế hệ mới, nhưng hiện tại khả năng của nó vẫn còn hạn chế.
GMD được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa cấp thấp hơn như ICBM của Triều Tiên. Đối với Nga và Trung Quốc, phương pháp răn đe của Mỹ là đe dọa trả đũa hạt nhân ngay lập tức.
Tổng thống Trump đã bày tỏ không hài lòng với khả năng phòng thủ hiện tại của Mỹ và đã nhắc đến Tổng thống Reagan khi ký sắc lệnh yêu cầu thiết lập lá chắn thế hệ mới.
“Tổng thống Ronald Reagan đã cố gắng xây dựng một hệ thống phòng thủ hiệu quả chống lại các cuộc tấn công hạt nhân. Mặc dù chương trình này đã dẫn đến nhiều tiến bộ công nghệ, nhưng nó đã bị hủy bỏ trước khi mục tiêu của nó được thực hiện”, ông Trump nói.
Dù chưa có nhiều thông tin chi tiết, nhưng ý tưởng này dường như sẽ tập trung vào tên lửa đánh chặn từ không gian, các lựa chọn để đánh bại tên lửa đối phương trước khi chúng được phóng và vô hiệu tên lửa mà không cần tiêu diệt chúng, cũng như vũ khí năng lượng định hướng. Hiện nay Mỹ đã tiến xa hơn trong các công nghệ này so với những năm 1980.
“Có vè như sắc lệnh hành pháp này nói rằng chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến Nga và Trung Quốc. Tôi nghĩ câu trả lời đúng là như vậy. Còn liệu kế hoạch này có đủ giải quyết các thách thức mà Mỹ đang đối mặt hay không, chúng ta phải đợi xem”, ông Karako nói.
Những tranh cãi xoay quanh lá chắn tên lửa mới
Mục tiêu của chương trình “Vòm Sắt cho nước Mỹ” là bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công trong khi vẫn duy trì khả năng tiến hành một cuộc tấn công thứ hai, trong đó Mỹ duy trì đủ lực lượng hạt nhân sau một cuộc tấn công để răn đe kẻ thù không tấn công trước. Điều đó có nghĩa là, lá chắn phòng thủ mới và năng lực răn đe truyền thống sẽ hoạt động cùng nhau.
Hans Kristensen, chuyên gia về vũ khí hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, gọi kế hoạch của ông Trump là “SDI 2.0”, mô tả tầm nhìn này như “một sự kết hợp giữa các khả năng hiện có, những khả năng mới và những ý tưởng viển vông”.
Ankit Panda, một chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết mục tiêu làm cho Mỹ không thể bị tổn hại trước cuộc tấn công bằng tên lửa “vẫn chỉ là một ảo tưởng và nó có thể dẫn đến những khoản chi tiêu bất tận tận và một cuộc đua vũ trang”. Chi phí triển khai rẻ hơn và công nghệ tên lửa đánh chặn mới cũng sẽ không thay đổi điều này.
“Đó là lý do tại sao Mỹ phụ thuộc vào ngoại giao và răn đe để đảm bảo an ninh”, ông nói, nêu quan điểm rằng kiểm soát vũ khí là con đường rẻ hơn dẫn đến sự an toàn, với các quy trình xác minh nghiêm ngặt.
Phòng thủ tên lửa hạt nhân cực kỳ khó khăn và trong tương lai điều đó cũng khó thay đổi, ngay cả khi có một lá chắn tên lửa hoạt động. Ông Karako cho rằng, nếu đối thủ quyết định phóng 1.000 đầu đạn hạt nhân vào Mỹ, chẳng có lá chắn nào đủ sức chống đỡ. Nhưng ông lập luận rằng, các hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn sẽ khiến cái giá phải trả của đối phương cao hơn, nâng cao khả năng răn đe đối trước nguy cơ về một cuộc tấn công giới hạn hoặc có sự ép buộc.
Chuyên gia Rebeccah Heinrichs của Viện Hudson và Trung tướng nghỉ hưu John Hyten, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng đã đưa ra những quan điểm tương tự, cho rằng Mỹ nên “triển khai thêm các khả năng phòng thủ tên lửa để răn đe cả Nga và Trung Quốc không xem xét tấn công bằng cách khiến họ không chắc chắn liệu nó có thành công hay không”.
Cộng đồng kiểm soát vũ khí giữ quan điểm rằng lá chắn tốt hơn chỉ thúc đẩy các đối thủ xây dựng các vũ khí tiên tiến hơn. Một số người khác lập luận: các đối thủ của Mỹ sẽ xây dựng công cụ để thách thức sức mạnh của Mỹ bất chấp Mỹ triển khai lá chắn phòng thủ nào.