Sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm soát ô nhiễm không khí
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND Tp.Hà Nội, UBND Tp.Hồ Chí Minh thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
Nguyên nhân chính gây ra khói mù, ô nhiễm không khí
Chiều 25/4, Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành" tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chỉ rõ nguyên nhân chính gây ra khói mù, ô nhiễm không khí là giao thông đô thị, ô tô cũ, xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đạt tiêu chuẩn khí thải, kẹt xe, nổ máy lâu, tình trạng đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời tập trung ở vùng ven đô và vùng nông thôn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí tại các đô thị.
Ngoài ra, việc thiếu giải pháp thu gom, xử lý rác tại nguồn; nhà máy xi măng, nhiệt điện, vật liệu xây dựng phát thải không qua xử lý hoặc giám sát yếu; xe tải vận chuyển vật liệu không che chắn, gây bụi; thiếu không gian cây xanh, mặt nước, đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt, thiếu hành lang thông gió… cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, quản lý và giám sát môi trường còn nhiều yếu kém, thiếu hệ thống cảm biến chất lượng không khí diện rộng; thiếu cơ chế phản ứng, thiếu chế tài đủ sức răn đe…

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan (Ảnh: Media Quốc hội).
Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Trong đó, cần tiếp tục rà soát nội dung, đánh giá kết quả thực hiện các quyết định của Chính phủ về quản lý chất lượng không khí trong thời qua.
Thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí thường xuyên, liên tục, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ về chất lượng không khí, kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí tại các đô thị theo thời gian thực để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Đồng thời rà soát, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.
Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; rà soát, sửa đổi quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí.
Chuyển từ cảnh báo ô nhiễm sang nuôi dưỡng không khí
Ông Lê Minh Hoan cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND Tp. Hà Nội, UBND Tp. Hồ Chí Minh thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.
Đồng thời rà soát, bổ sung đầy đủ các nội dung kiến nghị có đủ luận cứ khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Media Quốc hội).
Đối với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát tiếp tục quan tâm, nghiên cứu kỹ nội dung các ý kiến phát biểu tại Hội thảo và báo cáo tham luận của các chuyên gia, các kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp tại Hội thảo… để tiếp tục trao đổi, đánh giá, làm rõ trong các hoạt động của Đoàn giám sát, phục vụ báo cáo kết quả giám sát, đáp ứng mục đích, yêu cầu chuyên đề giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu, triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát theo Kế hoạch số 688.
Đồng thời đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tổ chức đoàn giám sát thực tế và tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, nhận diện, làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, kiến nghị giải pháp hành động nhằm cải thiện, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.
Gợi mở một số cách tiếp cận, ông Lê Minh Hoan cho rằng, cần chuyển từ cảnh báo ô nhiễm sang nuôi dưỡng không khí; phát động mỗi trường học một hàng cây, mỗi nhà một mái xanh; thí điểm khu dân cư không khói, giảm đốt rác, giảm khí thải xe máy; hạn chế xe máy cũ, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện sạch; chuyển đổi đốt rơm, rạ, rác thải sang mô hình phân hủy, tái sử dụng tại nguồn.
Đồng thời, cần phát triển giao thông công cộng, mở rộng vùng đi bộ, xe đạp; tăng cây xanh đô thị, quy hoạch hành lang gió và mặt nước.
Vận động hộ gia đình không đốt rác, sử dụng vật liệu xanh, phân loại rác; nhà trường hướng dẫn học sinh kiến thức, nhận thức về môi trường, ô nhiễm không khí.
Về các chính sách, ông Lê Minh Hoan cũng đề nghị áp dụng thuế môi trường theo hành vi tiêu dùng như xe cũ, bếp than, túi nilon; giảm thuế đóng góp nếu thực hiện nhiều hành vi tiêu dùng xanh.
Cùng với đó, Quỹ sáng kiến môi trường khu dân cư, hỗ trợ các nhóm nhỏ có giải pháp cải thiện môi trường sống tại chỗ, gắn giáo dục môi trường với các trò chơi, thử thách lan tỏa trên mạng xã hội…
"Chúng ta hãy truyền cảm hứng bằng những câu chuyện cá nhân có thật thay vì khẩu hiệu chung chung. Một thành phố không còn khói mù là một thành phố không chỉ sạch bầu trời mà còn sáng cả trong cách nghĩ. Hành động hôm nay để mai này con cháu chúng ta không cần đeo khẩu trang đi học và có thể nhìn thấy mặt trời từ trong lớp học", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.