Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam
Trong hai ngày 24 và 25-4, Bộ Nông Nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, nhằm tìm giải pháp đối phó tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững.
Hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu gồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành từ Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc); Viện Công nghệ châu Á, cùng đại diện các bộ, ngành (Xây dựng, Y tế, Công Thương…), các địa phương trọng điểm như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và các tập đoàn, hội, hiệp hội, doanh nghiệp lớn và các tổ chức quốc tế.

PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế (giữa) cùng đại diện WHO và UNDP tại Việt Nam điều hành hội thảo.
Theo báo cáo của Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng trong thời gian vừa qua, trong đó, “mùa ô nhiễm” không khí vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều thời điểm đạt mức kém và trung bình, gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Sự gia tăng ô nhiễm gắn liền với tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp và các hoạt động giao thông, xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: “Không khí không có biên giới hành chính, bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta không thể chậm trễ, nhưng phải hành động khoa học, quyết liệt và hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững”.

Quang cảnh hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Ô nhiễm không khí hiện đang là một thách thức môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, người lao động làm việc ngoài trời. Ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, làm tăng các trường hợp nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị, từ đó làm tăng sức ép và quá tải tại các cơ sở y tế và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Chúng ta muốn phát triển bền vững cần phải làm chủ việc cải thiện chất lượng không khí và chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam, nhấn mạnh: “Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đòi hỏi một cách tiếp cận đa bên, đa ngành, với sự phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, cùng với sự tham gia tích cực của các ngành then chốt, doanh nghiệp, trường đại học, truyền thông và các đối tác cộng đồng. Hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Chính phủ, UNDP và WHO cam kết đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, thành phố và tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm tăng cường quản trị và dữ liệu trong quản lý chất lượng không khí, xử lý các nguồn gây ô nhiễm và thúc đẩy sự tham gia của người dân”.

Đại diện thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo là diễn đàn quan trọng, không chỉ để đánh giá hiện trạng và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế mà còn đề xuất các giải pháp khoa học mang tính mới, phù hợp với xu hướng thời đại số, trí tuệ nhân tạo và khả thi nhằm giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới mục tiêu “Bầu trời xanh - Không khí sạch”.

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc trình bày tham luận.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề cốt lõi liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Các đại biểu đã đánh giá tổng quan hiện trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm, bao gồm các nguồn thải chính như giao thông, xây dựng, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời phân tích tác động của điều kiện khí hậu, thời tiết. Hội thảo cũng tổng kết kết quả triển khai của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao.


Đại diện các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tham dự hội thảo có nhiều tham luận tâm huyết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế từ Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Viện Công nghệ châu Á đã chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Bắc Kinh trong kiểm soát ô nhiễm hiệu quả. Cuối cùng, hội thảo chỉ ra những tồn tại và thách thức hiện nay, như thiếu đồng bộ trong dữ liệu nguồn thải, hạ tầng quan trắc còn hạn chế và chi phí chuyển đổi xanh, từ đó đề xuất các giải pháp về chính sách, kỹ thuật và truyền thông nhằm hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn tới.
Hội thảo khoa học đánh dấu những nỗ lực chung của Việt Nam trong giải quyết, khắc phục ô nhiễm môi trường và các cam kết toàn cầu, để hướng tới một tương lai không khí sạch, các đô thị đáng sống và một môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai.