Võ Trịnh Biên 'biến hóa' chữ Nôm

Sự phát triển rực rỡ của văn thơ chữ Nôm trên cả hai bình diện nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật là biểu hiện hùng hồn cho lòng tự hào dân tộc, minh chứng rõ nét nhất cho khát vọng xây dựng nền văn hiến độc lập của ông cha ta.

Tác giả: Trịnh Chu (Nguyễn Thành Đồng)
38 Quang Trung, Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà thơ Chế Lan Viên trong Nghĩ thêm về Nguyễn đã viết: “Anh lập công trên dòng ngôn ngữ ấy/ (...)/ Cho nghìn năm sau vầng trăng tiếng Việt mãi còn”. “Dòng ngôn ngữ ấy” chính là chữ Nôm và “Vầng trăng tiếng Việt” mà Chế Lan Viên nói đến là Truyện Kiều - một kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du, niềm tự hào của văn chương Việt trên văn đàn quốc tế.

Nhiều người Việt lâu nay cho rằng, chữ Nôm thuộc vào hàng “cổ học tinh hoa”, văn chương chữ Nôm là loại “kỳ thư”, phải người có “căn số” cổ học thì may ra mới lĩnh nhận được chút đỉnh nghĩa chữ của thứ chữ mượn hình chữ Hán để ghi âm tiếng nói của người Việt.

Nhận thức này, vô hình chung, tạo ra sự ngăn trở, khiến nhiều người trẻ chùn chân khi nhen nhóm ý định lần dở “chữ của tiếng nói nước ta”.

Trên thực tế, chữ Nôm là thứ chữ biểu âm - ghi âm tiếng mẹ đẻ của người Nam - tiếng Việt - một thứ chữ gần gũi với lời ăn, tiếng nói của đại đa số con dân đất Việt.

Chữ Nôm đã vượt qua được sự hạn chế của ngôn ngữ đơn âm tiết, ghi được tiếng nói đa âm tiết của người Việt, cũng như tỏ được tấc lòng của người Việt.

Chữ Nôm rất khó học, phải biết chữ Hán thì mới học được chữ Nôm. Thêm nữa, nhiều người Việt lại nghĩ chữ Nôm không “sang” bằng chữ Hán - thứ chữ biểu ý, vừa uyên bác, vừa thâm sâu. Nó ít nhiều phản ánh một thực tại đặc tính phổ cập của chữ Nôm trong đời sống người Việt khá bị hạn chế?

Căn nguyên của vấn đề này, nằm ngay trong bản thân chữ Nôm.

Như mọi người đều biết, ông cha ta trước đây muốn chấm dứt tình trạng vay mượn chữ Hán nên đã sáng tạo ra một loại chữ viết để ghi âm tiếng Việt - gọi là chữ Nôm. Trên cơ sở các ký tự của Hán ngữ, ông cha ta sử dụng những ký tự đó như một tiền tố để sáng tạo ra chữ Nôm - thứ chữ biểu âm tiếng Việt. Tuy nhiên, vì tiếng Việt là tiếng nói đa âm tiết, một ký tự Hán không thể ghi hết số âm tiết của tiếng Việt nên ông cha ta đã linh hoạt ghép 2 chữ Hán để tạo ra 1 chữ Nôm mới. Chữ Nôm mới này, một phần gợi âm, một phần biểu ý. Ngoài ra, ở số ít trường hợp, ông cha ta còn sử dụng nhiều chữ Hán để biểu một âm Nôm.

Qua phân tích ở trên đã cho thấy, chữ Nôm được phát triển trên nền tảng chữ Hán. Chữ Hán là cái vỏ ngoài của chữ Nôm. Chữ Nôm muốn biểu thị được nội dung bên trong nhất thiết phải có cái vỏ ngoài là chữ Hán. Nó giải thích vì sao người đời sau xếp Hán - Nôm cùng một bộ. Bởi nếu vứt bỏ chữ Hán (vỏ ngoài) thì không thể nhìn thấy cái nội dung bên trong chữ Nôm.

Nói cách khác, chữ Nôm không thể tồn tại nghĩa, nếu không có cái vỏ chữ Hán để biểu hiện nghĩa ra bên ngoài.

Mặc dù phát triển chưa hoàn thiện, lại còn phụ thuộc vào chữ Hán, nhưng chữ Nôm từng ghi danh trong lịch sử nước Nam là Quốc âm - tức chữ của tiếng nói nước Nam, một địa vị mà chữ Hán chưa bao giờ đạt được ở nước ta.

Văn thơ chữ Nôm cũng tỏ ra vượt trội văn thơ chữ Hán. Nền văn học chữ Nôm đã ghi nhận một số tác gia kiệt xuất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương..., với nhiều tác phẩm lớn: Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Bạch Vân Quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (dịch), Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Xuân Hương thi tập của Hồ Xuân Hương...

Sự phát triển rực rỡ của văn thơ chữ Nôm trên cả hai bình diện nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật là biểu hiện hùng hồn cho lòng tự hào dân tộc, minh chứng rõ nét nhất cho khát vọng xây dựng nền văn hiến độc lập của ông cha ta. “Chữ của tiếng nói nước ta”, qua những tuyệt tác thơ chữ Nôm kể trên, đã được các văn nhân nước Nam tôn cao địa vị. Nó không còn là thứ chữ “Nôm na mách qué”, thứ chữ “chả ai nhìn”, chữ Nôm trở thành phương tiện sáng tác văn học. Nhiều tác phẩm văn thơ chữ Nôm đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ, niềm tự hào của nền văn học dân tộc.

Nhận thức rõ về sự song trùng Hán - Nôm, họa sĩ Võ Trịnh Biện ở Đà Lạt đã thể hiện tình yêu “chữ của tiếng nói nước Nam” bằng cách... biến các chữ Nôm thành những bức tranh nghệ thuật biến ảo, tài hoa.

Trên nền giấy roki khổ rộng, chỉ bằng những đầu ngón tay và mực Nho, những bức tranh chữ lần lượt hiện ra đầy mê hoặc:

Này là chữ “MẸ” gồm bộ “NỮ” và chữ “MỸ”. MẸ trong chữ Nôm là chữ hội ý, với hàm nghĩa MẸ là người phụ nữ đẹp.

Chữ "Mẹ", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp.

Chữ "Mẹ", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp.

Kia là chữ “TÌNH YÊU”. Ông cha ta đã sử dụng chữ “YẾU” ở phía trên có bộ á nghĩa che đậy và chữ “NỮ” ở phía dưới để biểu đạt chữ TÌNH YÊU. TÌNH YÊU trong chữ Nôm vừa hài thanh, vừa hội ý. TÌNH YÊU là thứ tình cảm mà người phụ nữ giấu trong lòng.

Chữ "Tình yêu", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp.

Chữ "Tình yêu", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp.

Ông cha ta còn sáng tạo ra chữ “MỪNG” thật nhiều ý nghĩa. “MỪNG” gồm bộ “TÂM” và chữ “MINH” (sáng), với hàm nghĩa tâm của ai còn trong sáng thì mừng. Tâm của ai có minh đạo thì mừng. Đất nước có minh quân thì mừng...

Chữ "Mừng", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp.

Chữ "Mừng", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp.

Theo chia sẻ của họa sĩ Võ Trịnh Biện, việc anh vẽ những chữ Nôm riêng lẻ như nêu ở trên là bước tập dượt cho dự định dài hơi trong tương lai: Vẽ cuốn sách chữ Truyện Kiều - kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều là một tác phẩm truyện thơ bằng chữ Nôm gồm 3.254 câu lục bát, không chỉ là “Kinh Thi” của người Việt, còn là lời khẳng định đặc tính Việt tộc của Đại thi hào Nguyễn Du đối với di sản chữ Nôm - thứ chữ nói lên khát vọng tự chủ ngôn ngữ của ông cha ta.

Thông qua chữ Nôm, ông cha ta một lần nữa khẳng định, đây là chữ của tiếng nói nước Nam, đây là sự sáng tạo ngôn ngữ của người Việt, phục vụ đời sống nhân sinh của người Việt trong dòng chảy giao thoa văn hóa ngôn ngữ của các dân tộc.

Chữ "Mừng", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp

Chữ "Mừng", tranh của họa sĩ Võ Trịnh Biện. Ảnh tác giả cung cấp

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vo-trinh-bien-bien-hoa-chu-nom.html
Zalo