Vợ chồng học giả Mỹ chiến thắng nỗi sợ cái chết

Trong số tất cả ý tưởng mà tôi đã dùng để an ủi những bệnh nhân đang lo sợ về cái chết, không gì mạnh mẽ hơn ý tưởng là đã được sống một cuộc đời không có gì phải hối tiếc.

Tình hình hiện tại của tôi là thế này: Marilyn, bà vợ yêu quý của tôi, người quan trọng nhất trong thế giới của tôi từ khi tôi 15 tuổi, đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, còn mạng sống của tôi thì lại mong manh đến đáng sợ.

Vậy mà lạ làm sao, tôi cảm thấy bình tĩnh, gần như là thanh thản. Sao tôi lại không thấy sợ hãi chứ? Tôi cứ đặt câu hỏi kỳ lạ này cho bản thân không biết bao lần. Tôi đã khỏe mạnh trong phần lớn cuộc đời mình, nhưng ở một mức độ nào đó, luôn phải vật lộn với nỗi lo sợ về cái chết.

Tôi tin rằng việc tôi nghiên cứu và viết lách về nỗi sợ chết, những nỗ lực không ngừng của tôi để an ủi các bệnh nhân đang đối mặt với cái chết, là do nỗi sợ trong chính bản thân tôi thúc đẩy. Nhưng giờ đây, điều gì đã xảy ra với nỗi sợ hãi đó? Sự bình tĩnh của tôi từ đâu mà có trong khi cái chết đang đến gần hơn bao giờ hết?

Ngày qua ngày, những thử thách của chúng tôi lại càng mờ nhạt dần. Rất nhiều buổi sáng vợ chồng tôi ngồi cạnh nhau ở sân sau. Chúng tôi nắm tay nhau ngắm nhìn cây cối xung quanh và cùng hồi tưởng về cuộc đời mình. Chúng tôi nhớ lại nhiều chuyến đi: hai năm ở Hawaii khi tôi còn trong quân đội, lúc ấy chúng tôi sống ở một bãi biển rực rỡ vùng Kailua, một năm nghỉ xả hơi ở London, thêm sáu tháng sống gần Oxford, vài tháng ở Paris, và cả những chuyến lưu trú dài ngày ở Seychelles, Bali, Pháp, Áo và Italy.

 Sống không hối tiếc là cách chiến thắng cái chết. Ảnh: Matt Tullos.

Sống không hối tiếc là cách chiến thắng cái chết. Ảnh: Matt Tullos.

Đắm chìm trong những kỷ niệm tuyệt vời đó hồi lâu, Marilyn siết tay tôi và nói, “Ông Irv à, tôi chẳng muốn thay đổi điều gì đâu.”

Tôi hoàn toàn đồng ý.

Cả hai chúng tôi đều cảm thấy mình đã sống trọn vẹn cuộc đời này. Trong số tất cả các ý tưởng mà tôi đã dùng để an ủi những bệnh nhân đang lo sợ về cái chết, không gì mạnh mẽ hơn ý tưởng là đã được sống một cuộc đời không có gì phải hối tiếc. Marilyn và tôi đều cảm thấy không hối tiếc - chúng tôi đã sống trọn vẹn và quả cảm. Vợ chồng tôi chưa khi nào để tuột mất cơ hội khám phá cuộc sống và bây giờ chẳng còn mấy điều chúng tôi chưa làm được trong đời.

Marilyn đi vào nhà nghỉ trưa rồi. Việc hóa trị đã làm cạn kiệt sức khỏe nên vợ tôi thường ngủ gần như cả ngày. Tôi ngả lưng vào chiếc ghế sô pha, nghĩ ngợi về nhiều bệnh nhân bị nỗi sợ chết xâm chiếm mà tôi đã gặp, và cả những triết gia nhìn thẳng vào cái chết.

Hai ngàn năm trước, Seneca đã nói, Người ta không thể chịu đựng được việc sẽ phải chết nếu người đó chỉ vừa mới bắt đầu sống. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu là sống cho đủ. Nietzsche, người có nhiều câu châm ngôn lay động nhất, lại cho rằng, Sống an toàn thì thật là nguy hiểm. Một câu châm ngôn khác của Nietzsche cũng lóe lên trong đầu tôi: Nhiều người chết quá muộn, có người lại chết quá sớm. Hãy chết vào đúng thời điểm!

À thì, cái thời điểm đó cũng sắp đến rồi. Tôi gần 88 tuổi còn vợ tôi 87. Con cháu cũng đã khôn lớn. Tôi sợ việc viết lách đã làm mình kiệt sức. Tôi đang chuẩn bị nghỉ không hành nghề tư vấn tâm lý nữa, vậy mà giờ vợ tôi lại bệnh nặng thế này.

Chết vào đúng thời điểm. Thật khó mà không nghĩ đến điều đó. Và rồi tôi chợt nhớ đến một câu châm ngôn khác của Nietzsche: Những gì quá hoàn hảo và chín muồi rồi thì muốn ra đi. Còn cái gì chưa được hoàn hảo thì muốn tồn tại. Những ai đang chịu khổ ải đều muốn sống tiếp, hy vọng sẽ được hưởng phước, vui vẻ và luôn mong muốn có được những thứ cao hơn, xa hơn, tươi sáng hơn.

Điều đó cũng đúng luôn. Sự chín muồi - chính là từ đó. Sự chín muồi chính là điều mà vợ chồng tôi đang trải qua.

Irvin D.Yalom - Marilyn Yalom/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vo-chong-hoc-gia-my-chien-thang-noi-so-cai-chet-post1545645.html
Zalo