Các thuốc điều trị viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm ở đường dẫn khí dẫn vào phổi, khiến người bệnh bị ho dai dẳng. Viêm phế quản cấp tính thường do virus gây ra và thường tự khỏi. Viêm phế quản mạn tính thường không khỏi hẳn nhưng có thể kiểm soát được.
1. Nguyên nhân gây viêm phế quản
Hầu như bất cứ thứ gì gây kích ứng đường thở đều có thể gây viêm phế quản. Các nguyên nhân gây viêm phế quản do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng bao gồm:
- Virus:Các loại virus gây viêm phế quản bao gồm cúm, virus hợp bào hô hấp (RRV), adenovirus, rhinovirus (virus gây cảm lạnh thông thường) và coronavirus….
- Vi khuẩn:Các loại vi khuẩn gây viêm phế quản bao gồm Bordetella pertussis, Mycoplasma pneumonia vàChlamydia pneumonia.
- Sự ô nhiễm không khí
- Hút thuốc lá…
Ho dai dẳng kéo dài từ một đến ba tuần là triệu chứng chính của viêm phế quản. Người bệnh có thể ho đờm, nhưng cũng có thể bị ho khan, có thể nghe thấy tiếng huýt sáo hoặc khò khè khi thở (thở khò khè).
Một số triệu chứng khác bao gồm:
Khó thở
Sốt
Sổ mũi
Mệt mỏi…

Hình ảnh viêm phế quản.
2. Viêm phế quản được điều trị như thế nào?
Viêm phế quản cấp tính thường không được điều trị bằng thuốc. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng thuốc để giúp giảm các triệu chứng hoặc điều trị nguyên nhân cơ bản, bao gồm:
2.1 Thuốc kháng virus
Nếu viêm phế quản là do cúm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus như tamiflu… Nên dùng thuốc kháng virus ngay sau khi các triệu chứng bắt đầu sẽ giúp người bệnh nhanh khỏe hơn.
Tác dụng phụ thường gặp nhất của tamiflu là đau đầu, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng này thường xảy ra trong 2 ngày đầu dùng thuốc với ở mức độ không nghiêm trọng.
2.2 Thuốc giãn phế quản
Viêm phế quản mạn tính là viêm tăng tiết nhầy mạn tính của niêm mạc phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt từ 3 tháng trở lên trong một năm và ít nhất là hai năm liền.
Thở khò khè (khó thở) là triệu chứng thường gặp nhất của viêm phế quản mạn tính. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hẹp đường thở trong phổi, khiến quá trình trao đổi không khí giữa phổi ra bên ngoài khó khăn hơn. Do đó, thuốc điều trị giãn phế quản có tác dụng làm giãn cơ trơn bọc các phế quản, tăng khẩu kính đường thở, nhờ đó không khí di chuyển qua đường thở để đến các phế nang dễ dàng hơn.
Có 3 nhóm thuốc giãn phế quản thường dùng gồm:
- Nhóm đồng vận beta-2 (tác dụng ngắn như salbutamol, fenoterol… và tác dụng dài như salmeterol, bambuterol, formoterol).
- Nhóm kháng cholinergic như ipratropium.
- Nhóm methylxanthines như theophylline.
Tác dụng phụ:Thuốc giãn phế quản đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù chúng thường nhẹ hoặc kéo dài trong thời gian ngắn. Cụ thể, nhóm đồng vận beta-2 có thể gây run rẩy, đặc biệt là ở tay; căng thẳng thần kinh; đau đầu, hồi hộp; chuột rút cơ bắp. Nhóm kháng cholinergic có thể gâykhô miệng, táo bón, ho, đau đầu, buồn nôn… Các tác dụng phụ chính của nhóm methylxanthines như theophylline bao gồm buồn nôn và nôn, tiêu chảy, hồi hộp, nhịp tim nhanh, đau đầu, mất ngủ…
2.3 Thuốc chống viêm
Bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid và các loại thuốc khác để giảm viêm.
2.4 Thuốc ức chế ho
Thuốc ức chế ho không kê đơn hoặc theo toa (thuốc chống ho) có thể giúp giảm ho dai dẳng, bao gồm dextromethorphan, benzonatate...
2.5 Thuốc kháng sinh
Trong hầu hết các trường hợp, việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không giúp người bệnh khỏi bệnh viêm phế quản, vì có đến 95% viêm phế quản là do virus gây ra nên, do đó kháng sinh không giúp bạn loại bỏ virus. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và khi nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên.

Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và khi nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên.
Nguyên nhân do vi khuẩn hiếm gặp nên thuốc kháng sinh sẽ không giúp bạn khỏe hơn mà thậm chí còn làm trầm trọng thêm bệnh...
2.6 Điều trị COPD/hen suyễn
Đối với người bị COPD hoặc hen suyễn, bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc hoặc phương pháp điều trị hô hấp cho bệnh viêm phế quản mạn tính.
3. Những lưu ý khi dùng thuốc
- Chú ý đến tác dụng phụ: Có nhiều loại thuốc được dùng trong điều trị viêm phế quản. Mỗi loại lại có các tác dụng phụ khác nhau, do đó trước khi dùng thuốc người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để nắm bắt được các bất lợi này, nếu xảy ra báo cho bác sĩ biết để được ứng phó kịp thời khi cần thiết.
- Một số thuốc giãn phế quản có cách dùng theo đường hít, cần sử dụng đúng cách để thuốc có tác dụng tối ưu nhất.
- Dùng thuốc đúng liều lượng, đúng giờ, đúng cách…
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được điều chỉnh liều/thuốc khi cần thiết…
4. Phòng ngừa viêm phế quản như thế nào?
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ viêm phế quản là tránh bị bệnh do virus và các nguyên nhân khác gây kích ứng phổi.
Các cách cụ thể để giảm nguy cơ bao gồm:
- Cố gắng tránh ở gần người khác nếu bạn hoặc họ có thể bị bệnh.
- Tránh khói thuốc và các chất kích thích khác.
- Nếu bạn bị hen suyễn hoặc dị ứng, hãy tránh mọi tác nhân gây dị ứng (bao gồm vật nuôi, bụi, phấn hoa…).
- Chạy máy tạo độ ẩm: Không khí ẩm ít có khả năng gây kích ứng phổi.
- Nghỉ ngơi thật nhiều.
- Ăn uống lành mạnh.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Nếu không thể sử dụng xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có chứa cồn.
- Hãy đảm bảo cập nhật thông tin về vaccine phòng cúm, viêm phổi và COVID-19.