Vợ chồng bất hòa vì Baby Three
Anh Nguyễn Minh Quân (ở Hà Nội) đang bất đồng với vợ vì cách vợ cùng hai con mua 'Baby Three' - dòng đồ chơi thú bông ngoại nhập có giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Việc theo đuổi trào lưu này của vợ con khiến anh Quân lo lắng.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_338_51457340/d86d1ed62998c0c69989.jpg)
Ảnh minh họa
Baby Three là dòng đồ chơi nhồi bông, hộp mù (blind box) thú bông nổi tiếng với thiết kế đáng yêu và các bộ sưu tập độc quyền. Tại Việt Nam, "cơn sốt" Baby Three bùng nổ khi nhiều người sẵn sàng chi khoản tiền lớn để sở hữu chúng.
Ban đầu, vợ anh Quân chỉ mua vài món để thỏa mãn sở thích cá nhân của mình và các con. Nhưng càng sưu tập, chị càng bị cuốn vào thế giới của "bé ba", muốn săn lùng để sở hữu những con mắt đẹp, mắt hiếm.
"Số tiền lì xì hơn 20 triệu đồng của các con, vợ tôi cũng không ngần ngại lấy để mua Baby Three. Khi tôi phản đối, cô ấy khó chịu và bảo các con đều đồng ý mua", anh Quân bực dọc.
Có những món trùng lặp, khiến cả vợ và con anh muốn tiếp tục mua nhiều để "săn" được món yêu thích, món hiếm. Hai đứa trẻ hào hứng bênh vực mẹ: "Mắt lè khe (mắt lé, mắt xấu), con không thích. Mình phải đập hộp thêm để tìm được con đẹp, như thế mới hồi hộp, mới vui bố ạ", đứa con nhỏ giải thích.
Đứa lớn thì thêm vào: "Mấy con này có thể làm túi xách, ba lô, làm móc khóa, trưng bày cũng rất đẹp mà bố". Trong khi đó, vợ anh Quân cũng có lý lẽ riêng: "Anh không hiểu độ hiếm của Baby Three đâu. Nếu mở ra được con mắt đẹp, mắt hiếm, mẹ con em thích vô cùng. Nếu sau này không thích nữa, vẫn có thể bán lại mà".
Đây không phải lần đầu vợ anh Quân chạy theo trào lưu sưu tập đồ chơi. Thời gian trước, khi có "cơn sốt" của dòng sản phẩm đồ chơi khác, chị cũng sẵn sàng chi mạnh để sở hữu, nhưng rồi nhanh chóng chán và chuyển sang thứ khác.
Không thể phủ nhận sức hút của Baby Three: thiết kế đáng yêu, biểu cảm tinh nghịch, một số loại còn có hương thơm đặc trưng. Hơn cả một món đồ chơi, việc mở hộp mù mang đến cảm giác hồi hộp, thích thú như tham gia một trò chơi may rủi với phần thưởng đầy bất ngờ.
Tuy nhiên, điều khiến anh Quân lo ngại không chỉ là số tiền vợ con anh bỏ ra mà còn là thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát của vợ làm ảnh hưởng đến nhận thức tài chính của con trẻ. "Con cái nhìn mẹ là tấm gương, nhưng vợ tôi lại đang cổ vũ cho việc chi tiêu hoang phí. Tôi sợ các con cũng sẽ học theo, xem nhẹ giá trị đồng tiền và tiêu xài không hợp lý", anh Quân lo lắng.
Ngoài ra, anh cũng e ngại thị trường Baby Three bị "thổi giá", xuất hiện hàng giả kém chất lượng, trong khi vợ anh chỉ mải mê "săn" hàng mà không cân nhắc kỹ.
Vừa tốn kém tiền bạc, việc chạy theo trào lưu của vợ và các con còn ảnh hưởng đến quỹ thời gian và sự quan tâm dành cho gia đình. Buổi tối, vợ chồng, con cái ít trò chuyện hơn, vợ con anh Quân chỉ mải ngắm nghía, chụp ảnh với "bé ba". Vợ anh dán mắt vào màn hình điện thoại, đắm chìm vào thế giới săn "bé ba" trực tuyến.
"Mỗi món vợ tôi mua đều có giá vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu. Nếu cô ấy mua theo bộ thì đều từ vài triệu trở lên. Vợ con tôi mua vài món mang giá trị tinh thần thì tốt, tôi đâu có cấm cản. Nhưng một thời gian ngắn sau, những món đồ chơi này liệu còn giá trị như vợ tôi nói hay nhanh chóng lụi tàn", anh Quân chia sẻ.
Mong muốn lớn nhất của anh Quân là vợ biết cân nhắc giữa đam mê cá nhân và nhu cầu thiết yếu của gia đình. "Tôi mong vợ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nếu chạy theo trào lưu mà không mang lại giá trị lâu dài thì tôi nghĩ cô ấy cần điều chỉnh để tránh ảnh hưởng đến tài chính gia đình và hình thành thói quen xấu cho con cái sau này", anh bày tỏ.