Bệnh nhân cúm mùa tăng, bác sĩ hướng dẫn phòng tránh bằng y học cổ truyền

Trong thời điểm cúm mùa đang bùng phát mạnh hiện nay, khiến số bệnh nhân mắc và nhập viện tăng cao, cùng với tiêm phòng và sử dụng thuốc điều trị, các bác sĩ hướng dẫn thực hiện các biện pháp y học cổ truyền kết hợp hỗ trợ phòng tránh bệnh cúm hiệu quả.

Bệnh nhân cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai những ngày gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai…

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, với người khỏe mạnh, có hệ miễn dịch tốt, khi mắc cúm thường có các biểu hiện nhẹ như: Sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt; nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi và không phải nhập viện. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu, người có bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi, virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như: Viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.

Trước tình hình dịch cúm mùa đang bùng phát, bên cạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh, sử dụng thuốc điều trị cúm, các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn các bài thuốc y học cổ truyền dễ dàng thực hiện và áp dụng, giúp người dân tăng cường sức khỏe.

Bệnh cúm mùa (cúm A, B) theo Y học cổ truyền được gọi là “ôn dịch”, có tên là “Cảm mạo ôn bệnh”. Cúm mùa là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng. Bệnh cúm thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc) vào cuối Đông, đầu Xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh.

Theo nguyên lý y học cổ truyền, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của cúm mùa là ở tạng “phế” (hệ hô hấp), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là “thấp độc” (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp). Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: Nhiệt, thấp, đàm... thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau.

Theo các bác sĩ, các phương pháp y học cổ truyền có tác dụng tốt trong phòng bệnh cúm. Cụ thể, một số phương pháp phòng cúm mùa người dân có thể áp dụng dễ dàng như:

Tại nhà, nơi làm việc, người dân có thể sử dụng các dược liệu chứa tinh dầu như: Cây sả, chanh, quế, mùi, bưởi, tràm gió, gừng tươi, kinh giới, tía tô, bồ kết… hoặc chế phẩm tinh dầu của các loại dược liệu này. Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại từ 100 - 400 g tùy theo loại dược liệu và diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày thực hiện 2 lần, sáng và chiều.

Người dân chú ý, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 2,5 tuổi, trẻ em đang sốt và có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với các loại thảo dược trên.

Trong vệ sinh cá nhân, người dân có thể áp dụng các biện pháp: Xông mũi bằng cách dùng nồi nấu lá có tinh dầu hay các loại tinh dầu nấu sôi, trùm lên mặt xông, thời gian xông khoảng 15 – 20 phút. Các loại lá có tinh dầu có thể chọn lựa như: Lá lốt, lá trầu, lá trà, lá ngũ sắc, lá bạch đàn, tỏi, sả, bồ kết, gừng, là bưởi.. Tinh dầu có thể chọn tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, tinh dầu xả…

Việc xông hơi nóng vào mũi, họng và phổi là một giải pháp lý tưởng để vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong giai đoạn đầu mới nhiễm, khi virus khu trú tại chỗ ở mũi, miệng, họng, thậm chí ở phổi nhưng chưa nhiễm vào máu. Nhiệt độ cao sẽ tấn công virus và ngăn chặn quá trình tự nhân đôi của chúng.

Bài thuốc súc miệng: Lấy 10 g hương nhu sắc cùng 200 ml nước, dùng súc miệng vào 2 lần trong ngày vào sáng sớm và trước khi đi ngủ.

Cùng với đó, người dân cần rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày.

Để phòng và điều trị cúm, y học cổ truyền có các bài thuốc như:

Bài thuốc Ngọc bình phong tán:

Ngọc bình phong tán là tên một bài thuốc cổ từ thời Kim Nguyên (Trung Quốc), có công dụng ích khí, cố biểu và chỉ hãn, thường được dùng để chữa các chứng cảm mạo ở những người thể chất hư nhược.

Cách dùng: Hoàng kỳ, bạch truật, phòng phong sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà hàng ngày. Cũng có thể dùng bài thuốc này dưới dạng sắc uống, mỗi ngày sắc 1 thang.

Kết quả nghiên cứu dược lý và lâm sàng của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy, với cấu trúc phối hợp 3 vị thuốc nói trên, Ngọc bình phong tán có tác dụng khá đặc biệt trên hệ miễn dịch của cơ thể, vừa nâng cao hệ miễn dịch dịch thể, vừa cải thiện tích cực miễn dịch tế bào, ức chế phản ứng quá mẫn, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc đường hô hấp, từ đó phòng chống hiệu quả tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn và virus gây nên.

Bài thuốc Tỏi ngâm mật ong điều trị ho đau rát họng:

Nguyên liệu: 200 ml mật ong, 30 g tỏi (tương đương với 30 nhánh tỏi), 1 lọ thủy tinh dung tích 300 ml.

Cách làm: Tỏi bóc vỏ đập dập hoặc băm nhỏ để ngoài không khí khoảng 10 phút sau đó cho vào hũ thủy tinh đã đựng sẵn 200 ml mật ong; ngâm 2 tuần có thể dùng được. Nếu cần dùng luôn thì đem hỗn hợp tỏi mật ong hấp cách thủy 20 phút.

Người dân lưu ý, tỏi chỉ đem lại hiệu quả đối với trường hợp viêm họng do virus, dị ứng hoặc do các nguyên nhân không nhiễm trùng khác. Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi, người đang bị tiêu chảy hoặc đầy bụng.

Bài tập thở:

Người dân có thể áp dụng phương pháp thở 4 thì gồm: Hít vào - Giữ hơi – Thở ra – Nín thở. Mỗi lần tập mười hơi thở. Một ngày tập một đến hai lần. Khi chữa bệnh, tập nhiều hơn 20 – 40 hơi thở mỗi lần (với người tăng huyết áp, hen suyễn...). Bài tập này có tác dụng luyện tổng hợp hô hấp, tuần hoàn và thần kinh; chủ yếu là luyện sự cân bằng hai quá trình hưng phấn và ức chế.

Cách tập:

- Thì 1 (hít vào): Hít vào bằng mũi nhẹ êm, hít vào ngực bụng cùng vươn lên, hít vào vừa đủ - vừa căng (80-85%). Hít vào không gắng gượng do quá sức hít vào để tránh đóng thanh quản. Trong quá trình hít vào, để ý sự nâng lên của lồng ngực và bụng thông qua cảm giác tại 2 bàn tay. Nét mặt tươi, thanh thản.

- Thì 2 (ngưng giữ hơi thở): Ngưng thở vào (không đóng thanh quản) khoảng 2 - 3 giây. Co nhẹ cơ hậu môn và giữ trong thời gian ngưng thở.

- Thì 3 (thở ra): Thả lỏng cơ thắt đáy chậu (hậu môn); thở ra bằng mũi. Để ý hai bàn tay chằn nhẹ lên ngực – bụng. Khi thở ra, để lồng ngực và bụng xẹp xuống một cách nhẹ nhàng tự nhiên – không kìm cũng không thúc (ngực bụng xuống cùng lúc).

- Thì 4 (ngưng giữ hơi thở): Sau khi đã xẹp vừa thì ngưng, trong vòng 2 - 3 giây. Giữ trạng thái xẹp này không cho không khí đi vào nhưng thanh quản vẫn mở. Cảm giác toàn thân phẳng dẹp, xẹp, trì nặng trên sàn (như quả bóng hết hơi). Nét mặt thư giãn. Lưu ý, Khi xẹp, giữ độ xẹp đó đúng hiện trạng, không gồng cơ.

Các bác sĩ cũng lưu ý, ngoài áp dụng các biện pháp trên, các trường hợp cần được đưa tới cơ sở y tế như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; khó thở, thở nhanh; hoặc nhịp thở bất thường, đau ngực hoặc đau cơ dữ dội, tím môi và đầu chi lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều… Đặc biệt, người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mạn tính như phổi mạn tính, hen suyễn mãn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, người tiểu đường, gan, thận, tim, phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch… cần đến cơ sở y tế có các biện pháp xử trí kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/benh-nhan-cum-mua-tang-bac-si-huong-dan-phong-tranh-bang-y-hoc-co-truyen-20250212161532556.htm
Zalo