VNCERT/CC cảnh báo hình thức lừa đảo mới trong nửa đầu tháng Hai
Lừa đảo qua ví điện tử, giả danh nhân viên TikTok tri ân quà tặng 0 đồng, mạo danh nhân viên bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản... là những hình thức lửa đảo mới xuất hiện gần đây mà Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) vừa ghi nhận.
Theo VNCERT/CC, ba hình thức lừa đảo này phổ biến trong nửa đầu tháng 2-2025, sau dịp người dân nghỉ lễ đi làm trở lại và có nhiều hoạt động hơn. Cụ thể, nửa đầu tháng 2, hệ thống VNCERT/CC tiếp nhận khiếu nại của người dân về việc có đối tượng mạo danh nhân viên các loại ví điện tử phổ biến hiện nay, liên hệ đến họ bằng tin nhắn hoặc gọi trực tiếp để "gỡ rối" những vướng mắc nếu có.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc truy cập đường link lạ với mục đích bảo mật như một cách hỗ trợ khắc phục lỗi. Cuối cùng, các đối tượng dùng nhiều cách thức để chiếm đoạt tiền trong ví điện tử của người dùng. Sau khi người dùng bị chiếm quyền điều khiển và trừ tiền trong ví, lúc này đối tượng chặn liên lạc hoặc ngắt kết nối ngay lập tức. Tuy đây không phải là hình thức lừa đảo mới nhưng với thủ đoạn tinh vinh và nắm bắt tâm lý nạn nhân, chúng có thể chiếm đoạt tài sản nếu mất cảnh giác.
Hình thức lừa đảo thứ hai là giả danh nhân viên mạng xã hội TikTok để tri ân quà tặng 0 đồng. Thực tế, hình thức lừa đảo quà tặng tri ân không mới, nhưng chúng lợi dụng nhu cầu sử dụng mạng xã hội TikTok phổ biến như hiện nay để đánh vào tâm lý người dùng.
Vẫn là thủ đoạn gọi tới để thông báo bạn đã trúng thưởng một phần quà miễn phí, tuy nhiên, để nhận quà thì cần một chi phí vận chuyển hoặc xử lý đơn hàng. Nếu nạn nhân cả tin và chuyển khoản, chúng sẽ cắt đứt liên lạc ngay sau đó. Dù hình thức này không thiệt hại về tiền bạc nhiều, nhưng nhân lên số lượng người bị lừa gạt ở khắp nơi thì đây không phải là con số nhỏ.
Hình thức lừa đảo thứ ba là đối tượng mạo danh thương hiệu công ty bảo hiểm để gửi tin nhắn/gọi điện thoại với nội dung "được nhận tiền bảo hiểm" hoặc đề nghị "thanh toán tiền bảo hiểm" nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại lạ, giả mạo gửi tin nhắn/gọi điện thoại dẫn dụ khách hàng liên hệ nhân viên công ty bảo hiểm hoặc đến địa chỉ yêu cầu để nhận tiền bảo hiểm hoặc liên hệ công an xác minh, mặc dù khách hàng chưa tham gia bảo hiểm.
Với lý do cần xác thực cung cấp thông tin, cần chuyển khoản phí để nhận tiền bảo hiểm hoặc thanh toán tiền bảo hiểm, các đối tượng yêu cầu khách hàng điện thoại để xác nhận thông tin, hoặc cung cấp các thông tin quan trọng như số CCCD, mật khẩu, mã PIN, mã OTP… Từ đó, lấy cắp thông tin khách hàng và thực hiện các mục đích để chiếm đoạt tiền của họ.
Ngoài ra, trong nửa đầu tháng Hai, VNCERT/CC cũng ghi nhận thêm một số hình thức lừa đảo khác như chiếm đoạt tiền dưới vỏ bọc lễ Valentine chiêu dụ tình cảm, giả mạo ứng dụng thuế và lừa đảo liên quan lĩnh vực đào tạo nhân lực hàng không.

Trước tình hình lừa đảo trực tuyến diễn ra phức tạp, VNCERT/CC khuyến cáo người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và thực hiện phản ánh đến các đơn vị liên quan. Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để được hướng dẫn kịp thời.
Theo VNCERT/CC, congannhandan