Không chủ quan với chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng
Lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chưa bao giờ hết 'nóng', khi mà các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh, thu hút nhiều người dùng.

Những tin nhắn của đối tượng lừa đảo gửi đến các nạn nhân. Ảnh: C.T.V
Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao liên tục tung chiêu mới để tiếp cận, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng liên tục vào cuộc triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Nói về các chiêu thức mới của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nay, đại úy Phan Hoàng Sử, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Biên Hòa, cho biết gần đây xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới khiến nhiều người dân rất khó nhận biết. Chẳng hạn như có tình trạng lập các hội, nhóm, câu lạc bộ hẹn hò, làm quen trên các nền tảng mạng xã hội. Khi tham gia vào các hội, nhóm này, người tham gia được yêu cầu đóng tiền để nhóm gặp mặt trực tiếp nhưng thực chất đây cũng là chiêu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.
Như trường hợp chị P.N.Đ. (ngụ thành phố Biên Hòa) phản ánh, gần đây, chị có tham gia một câu lạc bộ hẹn hò làm quen trên mạng xã hội TikTok. Thời gian đầu, chị Đ. được những người trong nhóm gửi cho “nội quy” hẹn hò và được giới thiệu vào nhóm chat Telegram. Sau một thời gian trao đổi qua lại trong nhóm, chị Đ. được yêu cầu nạp một triệu đồng để tham gia buổi gặp mặt. Nhưng sau đó, với nhiều lý do, chị Đ. đã nạp 6 triệu đồng mà vẫn không thể tham gia buổi gặp mặt nhóm. Đến lúc này, chị mới nhận ra tất cả đó chỉ là chiêu thức của các đối tượng lừa đảo.
Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung điều tra, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt; xây dựng các kế hoạch, mở cao điểm tấn công trấn án các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Đặc biệt, theo đại úy Phan Hoàng Sử, hiện xuất hiện thêm thủ đoạn “nhắn tin cho tiền”. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sau khi chiếm được các tài khoản Facebook của người dùng sẽ nhắn tin cho người quen, thân, bạn bè và gửi mã QR yêu cầu những người này quét mã để nhận lì xì một triệu đồng. Nhiều người sẽ nghĩ đó là người quen của mình gửi tiền lì xì nên tin tưởng và quét mã QR đối tượng lừa đảo đã gửi. Sau đó, các đối tượng sẽ hướng dẫn làm thêm các thao tác nữa để “nhận tiền”. Tuy nhiên, đây chính là cách thức để các đối tượng chiếm mã OTP của nạn nhân rồi thâm nhập vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm này chưa cao, còn nhiều vấn đề cần được quan tâm.
Nguyên nhân là do phương thức, thủ đoạn của tội phạm luôn thay đổi, ngày càng tinh vi, các đối tượng sử dụng các tài khoản ảo, sim điện thoại, tài khoản ngân hàng không chính chủ, liên lạc qua các ứng dụng OTT có tính năng mã hóa đầu cuối (Telegram, Viber, Wechat, Facebook, Messenger...) để đối phó với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn tạo lập các ứng dụng, website giả mạo, chứa mã độc, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giả mạo hình ảnh, giọng nói... nhằm tương tác với nạn nhân và thu thập thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về loại tội phạm này chưa tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Một bộ phận người dân còn lơ là, mất cảnh giác khi có hành vi giao tiếp trên không gian mạng; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tải sản qua mạng nói riêng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn...
Tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm mạng
Trong thời gian tới, tội phạm trên không gian mạng nói chung, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng, tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Nhằm bảo đảm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, hành vi phạm tội, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức vừa ký ban hành công văn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng.
Các cơ quan, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng như: viễn thông, internet, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng...
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội nhằm hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó, lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng công an tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng, đẩy mạnh phát động Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.