VKSND Tối cao giải đáp vướng mắc về thực hiện Luật Đất đai
Khi các bên đã hòa giải không thành và khởi kiện thì không nên đặt nặng những vấn đề mang tính hình thức của việc hòa giải mà làm chậm trễ việc giải quyết tranh chấp của các bên.
Ngày 9-9, VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 3854/VKSTC-V9 giải đáp vướng mắc về kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Theo đó, VKSND Tối cao đã trả lời một số vướng mắc về việc thực hiện Luật Đất đai.
Hai quan điểm khi hòa giải không đủ thành phần
Trong thực tiễn giải quyết án, VKSND tỉnh Lâm Đồng hỏi: Muốn khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì phải đáp ứng điều kiện "đã qua hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp" theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp hòa giải không có đủ thành phần theo quy định của pháp luật.
Theo VKSND tỉnh Lâm Đồng, hiện có 2 quan điểm về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc hòa giải thiếu thành phần hòa giải là không đủ điều kiện khởi kiện nên trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Quan điểm thứ hai cho rằng Điều 202 Luật Đất đai và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ quy định điều kiện khởi kiện tranh chấp QSDĐ là đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Việc trả lại đơn khởi kiện với lý do việc hòa giải thiếu thành phần là không đúng. Vậy quan điểm nào đúng?
Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định: đối với tranh chấp ai là người có QSDĐ mà chưa được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.
Theo khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014 ngày 15-5-2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017 ngày 6-1-2017 và Nghị định 148/2020 ngày 18-12-2020) thì khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện nhiều nội dung.
Cụ thể, UBND cấp xã phải thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất. Đồng thời, thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải và tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
Theo VKSND Tối cao, hiện nay, pháp luật không quy định nếu Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai không đủ thành phần thì cuộc họp hòa giải không được tiến hành hay việc hòa giải không có hiệu lực. Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai không đưa ra quyết định, không biểu quyết theo đa số.
Hơn nữa, Hội đồng có thành phần rất linh hoạt như đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM. Do đó, có một số thành phần Hội đồng không mang tính bắt buộc.
VKSND Tối cao cho rằng đối với tranh chấp đất đai cần qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp vì đây thuộc loại tranh chấp về quyền sở hữu (quyền sử dụng đất thuộc về ai). Vì vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại nơi có đất là rất quan trọng (là nơi quản lý hồ sơ, tài liệu về nguồn gốc đất, nắm được quá trình sử dụng đất, những người sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thời điểm phát sinh tranh chấp...). Đây là cơ sở để tòa án có được thông tin để giải quyết đúng đắn vụ án. Hơn nữa, việc hòa giải nhằm đến làm rõ quan điểm, ý chí, nguyện vọng của các bên, giúp các bên thỏa thuận, thống nhất được với nhau để chấm dứt tranh chấp.
Do đó, khi các bên đã hòa giải không thành và khởi kiện thì không nên đặt nặng những vấn đề mang tính hình thức của việc hòa giải mà làm chậm trễ việc giải quyết tranh chấp của các bên. Vì vậy, VKSND Tối cao cho rằng quan điểm thứ hai là hợp lý.
Vướng mắc về thẩm quyền giải quyết đất đai
VKSND tỉnh Phú Thọ, Đắk Nông đặt câu hỏi rằng: Hiện nay có tòa án cho rằng trường hợp tranh chấp QSDĐ nhưng đất đó xuất phát từ hợp đồng hoặc yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án vận dụng điểm 2 Mục II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3-4-2019 của TAND Tối cao để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án là của TAND cấp huyện. Việc áp dụng pháp luật như vậy có đúng không?
Khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển QSDĐ mà hợp đồng đó bị vô hiệu, nhưng người nhận chuyển quyền đã được cấp GCNQSDĐ hoặc đã được xác nhận nội dung biến động thì không đưa cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng.
VKSND Tối cao
Theo VKSND Tối cao, khoản 4 Điều 34 BLTTDS quy định thẩm quyền của cấp tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh.
Cạnh đó, theo VKSND Tối cao, điểm 2 Mục II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3-4-2019 của TAND Tối cao có nội dung: “...việc cấp lại GCNQSDĐ hoặc xác nhận nội dung biến động trong trường hợp thực hiện hợp đồng (các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 105 Luật Đất đai) là thủ tục hành chính trong giao dịch dân sự, không mang tính chất của quyết định hành chính cá biệt...
Cho nên, khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển QSDĐ mà hợp đồng đó bị vô hiệu, nhưng người nhận chuyển quyền đã được cấp GCNQSDĐ hoặc đã được xác nhận nội dung biến động thì không đưa cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng. Đồng thời, không cần phải tuyên hủy GCN cấp cho người nhận chuyển nhượng.
Như vậy, trong vụ án tranh chấp về hợp đồng chuyển QSDĐ, có yêu cầu hủy GCNQSDĐ được cấp trên cơ sở kết quả giao dịch có hiệu lực hoặc yêu cầu hủy xác nhận biến động trên GCNQSDĐ thì TAND Tối cao cho rằng GCNQSDĐ, xác nhận biến động trong trường hợp này không phải là quyết định hành chính cá biệt. Do đó, các tòa án cấp dưới không xác định thuộc thẩm quyền TAND cấp tỉnh theo khoản 4 Điều 34 BLTTDS.
Tuy nhiên, theo VKSND Tối cao, việc áp dụng pháp luật như trên chỉ đối với vụ án tranh chấp về hợp đồng chuyển QSDĐ. Đối với vụ án tranh chấp QSDĐ có yêu cầu hủy GCNQSDĐ, hủy xác nhận biến động thì việc xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án thực hiện theo khoản 4 Điều 34 BLTTDS.