Vinh quang thế hệ sinh viên 'xếp bút nghiên' lên đường chiến đấu
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trường Đại học Cơ điện đã có trên 500 giảng viên và sinh viên lên đường nhập ngũ.

Cô và trò trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thăm hỏi cựu chiến binh Hoàng Quang Tròn.
“Xếp bút nghiên lên đường ra trận”
Năm 1970 là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ cam go, quyết liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam vô cùng cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên của Nhà nước, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự. Trong khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng nghìn sinh viên miền Bắc sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.
Tại trường Đại học Cơ điện nay là trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp đã tình nguyện tham gia chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do của dân tộc.
Những ngày cuối tháng tư, cả nước hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Chúng tôi có cuộc trò chuyện với cựu sinh viên đã từng dâng hiến cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường để viết nên khúc tráng ca kiêu hùng của một thời tuổi trẻ.

Ông Hoàng Quang Tròn, người dân tộc Nùng, nguyên sinh viên khóa 4 trường Đại học Cơ điện.
Ông Hoàng Quang Tròn, người dân tộc Nùng, nguyên sinh viên khóa 4 trường Đại học Cơ điện là một trong những cựu sinh viên tình nguyện tham gia kháng chiến khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm về những ngày tháng khó khăn nhưng đầy vinh quang, ông Hoàng Quang Tròn cho biết: Tôi vẫn còn nhớ bài học cuối cùng trước khi lên đường tham gia chiến đấu đó là bài tập thiết kế dụng cụ cắt của bộ môn dao cắt, tuy nhiên bài tập chưa kịp hoàn thành, thì chúng tôi đã nhận được giấy tổng động viên lên đường kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày ấy, sinh viên trường Cơ điện đã tham gia rất nhiều đợt tuyển quân, nhưng khóa này là đông nhất, cả thầy và trò gần 200 người. Ngoài sinh viên trường Cơ điện còn có trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Y, trường Đại học Nông Lâm và trường Đại học mỏ địa chất và một số trường Cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Bắc Thái.
Sau khi nhận giấy tổng động viên, bản thân tôi là người dân tộc nên được miễn tham gia kháng chiến theo chế độ, tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm cùng các đồng đội không màng việc sống chết hy sinh để tham gia chiến trường.
Chúng tôi được huy động và tập hợp thành tiểu đoàn 69, sư 304B, gồm 4 đại đội, chúng tôi thuộc đại đội 2, bao gồm toàn bộ thầy và trò trường Đại học Cơ điện.
Sau khi huấn luyện, chúng tôi vào chiến trường. Bản thân tôi và một số chiến sĩ về Cục tham mưu (Bộ tham mưu của Quân khu 5). Ở mỗi một đơn vị, sẽ có nhiệm vụ riêng như hậu cần phục vụ chiến đấu, đảm bảo thông tin, tham mưu…
Viết nên khúc tráng ca kiêu hùng của một thời tuổi trẻ
Cũng theo ông Hoàng Quang Tròn, trong giai đoạn chiến tranh vô cùng khốc liệt, chúng tôi nhập ngũ với tinh thần “tổng động viên cho chiến trường” được huấn luyện trong 2 tháng không có ngày nghỉ, không được chia tay gia đình, tuy nhiên chúng tôi cũng không hề nhụt ý chí, mà vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí của tôi, đó là quá trình làm nhiệm vụ cảnh vệ bảo vệ Tư lệnh quân khu 5, ngoài nhiệm vụ chính, tôi được giao nhiệm vụ dạy chữ cho đồng đội, nhiều người nhờ việc tranh thủ học đã viết được thư gửi về cho gia đình. Đó là một niềm vui lớn của riêng bản thân ”. Ông Tròn chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Luân, nguyên sinh viên khóa 5 trường Đại học Cơ điện tham gia kháng chiến tại mặt trận Tây Nguyên.
Còn đối với ông Nguyễn Trọng Luân, nguyên sinh viên khóa 5 trường Đại học Cơ điện, ông nhập ngũ tháng 9/1972. Trong quân ngũ, ông giữ chức vụ tiểu đội trưởng trinh sát và tham gia nhiều trận đánh tại mặt trận Tây Nguyên.
Nhớ lại những năm tháng hào hùng ông Luân cho biết: Tạm xa mái trường, những người lính sinh viên vốn chỉ quen với đèn sách, phải làm quen với súng đạn, với những đêm hành quân...Thời điểm đó, suy nghĩ của tôi và các đồng đội rất rõ ràng, đó là mình còn trẻ thì phải cống hiến, khi Tổ quốc gọi thì sẵn sàng lên đường và phải hoàn thành nhiệm vụ.
Hòa bình lập lại, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân tiếp tục theo học rồi trở thành một nhà văn và nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, ông đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, bao gồm thơ, tiểu thuyết, truyện ký và tản văn. Các tác phẩm của ông thường tập trung vào chủ đề chiến tranh, tri ân đồng đội đã hy sinh và những trải nghiệm sâu sắc của thế hệ sinh viên Bắc Việt trong thời kỳ chiến tranh. Một số tác phẩm nổi bật của ông bao gồm "Bình minh phía trước" và các bài thơ như "Khoảng lặng trước bình minh".
Gửi gắm đến thế hệ trẻ, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân bày tỏ “Mong muốn của chúng tôi là thế hệ mai sau biết đến những hy sinh, đóng góp to lớn của lớp sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Để từ đó các em nỗ lực học tập, trở thành những người có ích cho xã hội và tích cực đóng góp cho quê hương giàu đẹp.

Thầy và trò Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tri ân các cựu chiến binh.
Sau ngày non sông liền một dải, những người lính sinh viên lại trở về giảng đường, tiếp tục đi học và đóng góp kiến thiết đất nước. Rất nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ chủ chốt, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn... Nhưng cũng không ít người đã vĩnh viễn nằm lại dưới đất thiêng ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời mình...
Những chàng sinh viên năm xưa may mắn trở về, nay đều đã ngoài 70 tuổi, mái đầu đã điểm bạc, nhưng đối với họ, tình đồng đội luôn là điều thiêng liêng và quý giá nhất. Chính vì thế, họ đã tìm lại nhau, thành lập CLB Cựu chiến binh – cựu sinh viên Đại học Cơ điện Thái Nguyên để kết nối bạn bè, đồng ngũ đang sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc và để tri ân thăm hỏi động viên thân nhân liệt sĩ.