Vĩnh Phúc tổ chức lại công tác đối ngoại sau khi kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ
Hiện tại, Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc có 13 lãnh đạo và 2 chuyên viên. Tới đây khi kết thúc hoạt động, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải sắp xếp, bố trí số cán bộ lãnh đạo này.
Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 4/4/2008, là cơ quan chuyên môn tham mưu, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn dưới sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2008 đến năm 2017, Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc có 5 phòng chuyên môn, gồm: Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Lễ tân đối ngoại, Phòng Lãnh sự và Người Việt Nam ở nước ngoài, Thanh tra và Văn phòng Sở; 2 Trung tâm thuộc Sở là Trung tâm Thông tin và dịch vụ đối ngoại; Trung tâm Xúc tiến Viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Năm 2017, thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW của Trung ương, Sở Ngoại vụ đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn, sáp nhập các phòng chuyên môn và trung tâm thuộc Sở.
Cụ thể là sáp nhập và chuyển chức năng nhiệm vụ của Phòng Lễ tân về Văn phòng, sáp nhập 2 Trung tâm thành 1 trung tâm. Sở đã giải quyết chế độ cho 1 công chức (Trưởng phòng Lễ tân) nghỉ công tác trước tuổi.
Năm 2023, thực hiện Nghị định 107/NĐ-CP, Sở Ngoại vụ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập các phòng. Cụ thể là sáp nhập Phòng Hợp tác quốc tế với Phòng Lãnh sự và người Việt Nam ở nước ngoài thành Phòng Hợp tác quốc tế và Lãnh sự; kết thúc hoạt động của Thanh tra Sở và chuyển nhiệm vụ, chức năng công tác thanh tra chuyên ngành về Văn phòng.
Tháng 8/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định giải thể Trung tâm Thông tin đối ngoại và Xúc tiến đầu tư thuộc Sở Ngoại vụ và chuyển toàn bộ 11 biên chế viên chức của Sở Ngoại vụ về làm việc tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm 1 Giám đốc và 1 Phó giám đốc của Trung tâm này.
Hiện nay Sở Ngoại vụ có 2 phòng chuyên môn: Phòng Hợp tác quốc tế và lãnh sự và Văn phòng Sở với 15 biên chế công chức, 4 lao động hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP.
Đáng chú ý, trong số 15 cán bộ, công chức thì Sở chỉ có 2 nhân viên, còn lại đều giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, gồm: 1 Giám đốc Sở; 4 Phó giám đốc Sở; 2 Trưởng phòng và 6 Phó trưởng phòng.
Như vậy, số lượng trưởng phòng giảm, nhưng số lượng phó phòng tăng sau khi sáp nhập. Những cán bộ này đều được đề bạt từ nhiều năm trước.
Theo phương án của tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, Sở Ngoại vụ sẽ kết thúc hoạt động trong thời gian tới.
Tỉnh có thể thành lập 1 Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc chia tách cán bộ, công chức cho các sở, ngành nhằm thực hiện 8 chức năng của công tác ngoại vụ.
Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Sở đã họp bàn, nắm bắt tâm tư cán bộ, nhân viên. Nhìn chung mọi người đều có tư tưởng thoải mái. Có 5 cán bộ, công chức còn dưới 5 năm công tác sẵn sàng nghỉ công tác trước tuổi.
Mặc dù không còn Sở Ngoại vụ, song Vĩnh Phúc là địa phương có độ mở kinh tế lớn, công tác đối ngoại vẫn là một nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhằm góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh và thu hút đầu tư nước ngoài.