Ngành sản xuất chế tạo châu Á đối diện rủi ro thương mại
Triển vọng năm 2025 của ngành sản xuất chế tạo châu Á không mấy khả quan trong bối cảnh rủi ro thương mại toàn cầu được dự báo sẽ gia tăng.
Sản xuất chế tạo, xuất khẩu của Trung Quốc trước mối đe dọa thuế quan
Một loạt các chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất chế tạo trong tháng 12/2024 ở khắp châu Á mới được công bố cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang chậm lại, mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành này ở Đài Loan và Đông Nam Á.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ mạnh tay áp mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ 3 đối tác thương mại lớn, gồm: Mexico, Canada và Trung Quốc. Động thái thuế quan này được cho là sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia xuất khẩu lớn khác và hoạt động kinh doanh toàn cầu nói chung.
Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 12/2024 đã không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích, báo hiệu rằng các biện pháp kích thích của Bắc Kinh chưa đủ để tạo cú hích cho nền kinh tế đang suy yếu.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc trong tháng 12/2024 chỉ đạt 50,1 điểm, theo dữ liệu mới công bố của Cơ quan Thống kê Quốc gia. Kết quả này thấp hơn mức 50,3 điểm mà các nhà phân tích dự báo với Reuters.
Trong hai tháng 10 và 11/2024, chỉ số PMI của Trung Quốc lần lượt đạt 50,1 và 50,3 điểm. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy hoạt động của ngành/lĩnh vực được khảo sát được mở rộng trong kỳ khảo sát và ngược lại.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết sản lượng và đơn đặt hàng mới cho các lĩnh vực bao gồm chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ, thiết bị nói chung, thực phẩm và đồ uống đều đã tăng lên.
Trong khi đó, kết quả khảo sát tư nhân cho thấy chỉ số PMI Caixin/S&P ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã giảm còn 50,5 điểm vào tháng 12/2024, từ mức 51,5 của tháng trước. Chỉ số này càng củng cố cho nhận định rằng ngành sản xuất chế tạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng khiêm tốn, thậm chí hoạt động của các nhà máy hầu như không tăng.
"Đối với nền kinh tế Trung Quốc, năm 2024 sẽ được ghi nhớ là một năm của sự lộn xộn", ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Macquarie Group, đánh giá.
"Áp lực giảm phát vẫn tiếp diễn vì gói kích thích chính sách chỉ đủ để đạt mục tiêu GDP, và còn lâu mới đủ để phục hồi nền kinh tế", ông Hu lưu ý.
Chưa kể, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc kéo dài đà giảm sang tháng thứ tư liên tiếp, giảm 7,3% vào tháng 11/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái sau mức giảm 27,1% vào tháng 9 - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2020, theo thông tin từ công ty dữ liệu tài chính Wind Information.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn khi ông Trump trở lại nắm quyền Nhà Trắng trong tháng này. Mối đe dọa tăng thuế quan từ Mỹ có thể làm suy yếu thêm lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với các rào cản thương mại gia tăng từ Liên minh châu Âu.
Ông Gabriel Ng, nhà phân tích của Capital Economics, cho biết chính sách hỗ trợ tăng cường của Bắc Kinh vào cuối năm 2024 đã thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, điều này có khả năng được nhìn thấy trong các chỉ số khác trong quý IV/2024. "Và sự cải thiện này sẽ tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2025", ông Ng cho biết.
"Nhưng sự thúc đẩy này có thể sẽ không kéo dài quá vài quý, với việc ông Trump có khả năng sẽ sớm thực hiện lời đe dọa áp thuế của mình và tình trạng mất cân bằng cấu trúc dai dẳng vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế", nhà phân tích của Capital Economics nói thêm.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore cũng chung mối lo
Tại Hàn Quốc, chỉ số PMI cho thấy hoạt động kinh doanh đã bị thu hẹp trong tháng 12/2024 và tốc độ suy giảm sản lượng đang tăng tốc, trái ngược hoàn toàn với số liệu tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn dự báo được công bố trước đó.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh linh hoạt trong năm nay do tình hình chính trị và kinh tế bất ổn gia tăng.
Ngoài tình hình bất ổn thương mại toàn cầu, Hàn Quốc đang phải đối mặt với tác động tiêu cực đến niềm tin của doanh nghiệp từ cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia sau nỗ lực bất thành của Tổng thống Yoon Suk Yeol vào tháng trước nhằm áp đặt thiết quân luật.
Trước những căng thẳng từ bên trong và bên ngoài, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc dự báo tăng trưởng năm 2025 của nước này là 1,8%, thấp hơn mức 2,1% ước tính cho năm 2024.
Còn Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, vào tháng 11/2024, đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống còn 1,9%, từ mức 2,1%.
Còn tại Nhật Bản, chỉ số PMI ngành sản xuất chế tạo do ngân hàng au Jibun Bankk công bố đã đạt 49,6 điểm vào tháng 12/2024, cao hơn một chút so với ước tính sơ bộ là 49,5 và tăng so với mức 49,0 vào tháng 11. Kết quả này đánh dấu mức điểm cao nhất kể từ tháng 9 mặc dù hoạt động của khu vực nhà máy suy giảm trong 6 tháng liên tiếp.
Sản lượng của khu vực nhà máy đã giảm ở mức nhẹ hơn. Đơn đặt hàng mới tiến gần hơn đến mức ổn định, với tỷ lệ giảm xuống mức mềm nhất trong 6 tháng.
"Trong khi đó, dữ liệu giá vẫn ở mức cao dai dẳng và tăng tốc trong tháng cuối cùng của năm 2024. Gánh nặng chi phí tăng lên mức lớn nhất kể từ tháng 8 trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô và lao động tăng cao, trong khi đồng yên suy yếu làm gia tăng áp lực giá. Do đó, các nhà sản xuất đã chọn cách chuyển chi phí cho khách hàng ở mức độ lớn hơn, với chi phí đầu ra tăng ở mức mạnh nhất trong 5 tháng và nhìn chung là ổn định", ông Usamah Bhatti, nhà phân tích tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.
Tương tự, hoạt động sản xuất chế tạo của Ấn Độ cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong năm 2024, mặc dù các nhà máy của nền kinh tế này vẫn tiếp tục hoạt động tốt hơn các nước khác trong khu vực.
Đài Loan là một điểm sáng hiếm hoi, với hoạt động sản xuất tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng qua khi những đơn vị trả lời khảo sát PMI cho biết doanh số bán hàng từ khu vực châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ tăng mạnh mẽ.
Tại Singapore, dữ liệu chính thức cho thấy năm 2024 quốc gia này đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ đại dịch Covid-19, một phần là nhờ việc tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu trước khi mức thuế quan mới dự kiến của ông Trump có hiệu lực.
Nền kinh tế Singapore đạt tăng trưởng 4,0% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,1% vào năm 2023, theo dữ liệu sơ bộ được chính phủ nước này công bố ngày 2/1.
Singapore đạt tăng trưởng 4,3% trong quý IV/2024, theo ước tính trước của Bộ Thương mại, cao hơn mức dự báo trung bình là 3,3% trong cuộc thăm dò các nhà kinh tế của Reuters.