Vĩnh Phúc thúc đẩy gỡ khó cho phát triển khu công nghiệp

Đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đồng thời kiến tạo hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư chiến lược.

Ngay từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc đã xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Tỉnh đã tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách và quy hoạch các khu công nghiệp hiện đại, bền vững nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu. Dù vậy, quá trình ưphát triển các khu công nghiệp vẫn còn nhiều trở ngại.

Gỡ khó cho phát triển khu công nghiệp

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 5/2025, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập, tổng diện tích hơn 3.142 ha. Ngoài 5 khu công nghiệp chưa được giao đất, chưa triển khai xây dựng có 9 khu đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động, gồm: Khu công nghiệp Kim Hoa; Khu công nghiệp Khai Quang; Khu công nghiệp Bình Xuyên; Khu công nghiệp Bá Thiện; Khu công nghiệp Bình Xuyên II (giai đoạn 1); Khu công nghiệp Bá Thiện II; Khu công nghiệp Tam Dương II - khu A; Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa - khu vực II (giai đoạn 1); Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. 3 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng là Khu công nghiệp Sơn Lôi; Khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực II; Khu công nghiệp Sông Lô II.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc không chỉ tập trung vào các khu vực trung tâm có vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông phát triển như thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên hay huyện Bình Xuyên. Tỉnh còn ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút công nghiệp về các huyện miền núi.

Điển hình là huyện Lập Thạch và Sông Lô, nơi có lợi thế về đất đai và nguồn lao động dồi dào. Các địa phương này đã xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tích cực kêu gọi và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ.

Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II phấn đấu hoàn thành xong hạ tầng trong quý I/2026

Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II phấn đấu hoàn thành xong hạ tầng trong quý I/2026

Ông Hoàng Long Biên - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158, ngày 6/2/2024, trên địa bàn huyện Lập Thạch có 5 khu công nghiệp được quy hoạch, tổng diện tích 931,9 ha; huyện Sông Lô có 3 khu công nghiệp được quy hoạch, tổng diện tích trên 602ha. Tuy nhiên đến nay, huyện Lập Thạch mới có Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn I) được thành lập.

UBND tỉnh đã bàn giao 132,16ha/145,27ha mặt bằng cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Amane để phát triển hạ tầng và đã thu hút 3 doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động. Trong số 4 khu công nghiệp chưa được thành lập, có 3 khu công nghiệp đang được lập quy hoạch phân khu xây dựng là Khu công nghiệp Lập Thạch I, diện tích trên 131 ha; Khu công nghiệp Lập Thạch II, diện tích 235,5 ha; Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực I), diện tích trên 283ha. Đối với huyện Sông Lô có 2 khu công nghiệp được thành lập là Khu công nghiệp Sông Lô I và Khu công nghiệp Sông Lô II. Trong tháng 9/2023, huyện Sông Lô đã tổ chức khởi công Khu công nghiệp Sông Lô II, quy 165,66ha; Khu công nghiệp Sông Lô I chưa khởi công xây dựng do chưa được giao đất.

Theo ông Hoàng Long Biên, khó khăn, vướng mắc nhất trong đầu tư, phát triển các dự án khu công nghiệp nói chung và trên địa bàn 2 huyện Lập Thạch, Sông Lô nói riêng là thiếu nguồn đất san lấp; công tác tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án gặp khó khăn do quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư có nhiều điểm mới, khác biệt so với Luật Đất đai năm 2013; việc xác định nguồn gốc đất, quy chủ và lên phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm do mức độ phức tạp của nguồn gốc đất và tồn tại về quản lý đất đai của địa phương. Một số hộ dân còn tạo lập tài sản trái phép trên đất rừng; một số hộ dân không hợp tác trong công tác kiểm đếm, còn đòi giá bồi thường cao hơn quy định…

Thực tế tại buổi kiểm tra, làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông với chủ đầu tư và lãnh đạo 2 huyện Sông Lô, Lập Thạch về phát triển các khu công nghiệp đầu tháng 5/2025 cho thấy, tất cả các dự án tại 2 huyện này đều có vướng mắc.

Theo bà Đàm Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Amane, chủ đầu tư Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn I), vướng mắc cơ bản của dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, đơn giá đất, thiếu đất san nền. Dự án đã được ngân hàng cấp vốn từ lâu, phía ngân hàng cũng đề nghị doanh nghiệp giải ngân nhưng không giải ngân được vì dự án chưa giải phóng mặt bằng. Sau khi giải phóng mặt bằng xong lại thiếu đất san nền. Chủ đầu tư chưa thực hiện được việc phê duyệt khai thác đất, khai thác tận dụng đất thừa làm vật liệu san lấp thông thường. Trong khi đó, các khách thuê có nhu cầu về mặt bằng để triển khai đầu tư. Thực tế này dẫn đến sự lãng phí lớn cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và địa phương.

Không chỉ tại các khu vực miền núi, việc phát triển các khu công nghiệp tại huyện công nghiệp Bình Xuyên cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, đến nay, trên địa bàn có 8 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích hơn 1.776 ha. Trong đó có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu đang xây dựng là Khu công nghiệp Sơn Lôi và 2 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất để xây dựng (Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên và Khu công nghiệp Bình Xuyên II - giai đoạn 1). Nhìn chung, các khu công nghiệp sau khi được giao đất đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và dự án đầu tư được duyệt với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 60%, trong đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động trên 84%.

Tuy nhiên, phần lớn việc triển khai các khu công nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến dự án phải kéo dài, xin giãn tiến độ thực hiện khiến đẩy giá thuê hạ tầng khu công nghiệp, giá thuê nhà xưởng trong khu công nghiệp bị đẩy lên, làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, hiệu quả của dự án cũng như môi trường đầu tư của tỉnh. Đến nay, các khu công nghiệp được thành lập trên địa bàn huyện còn hơn 500 ha chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, giá thuê đất bình quân trên địa bàn tỉnh từ 130 - 150 USD/m2, có dự án đến 170 USD/m2, cao hơn so với mặt bằng chung một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

Nỗ lực kiến tạo hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư chiến lược

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.815 ha, và đến năm 2050 sẽ tăng lên 29 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.489,68 ha. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 4 và Vành đai 5.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về khu công nghiệp. Vĩnh Phúc tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động đúng kế hoạch. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và các khu công nghiệp phát triển theo hướng xanh. Tỉnh cũng tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến xác định giá đất và nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo nhanh chóng nhưng chặt chẽ, tránh sai sót.

Đầu tháng 5/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vướng mắccho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch

Đầu tháng 5/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vướng mắccho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch

Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Vĩnh Phúc tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ hội "an cư lạc nghiệp" cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội, bao gồm: Dự án nhà ở xã hội Phúc Thắng tại thành phố Phúc Yên; Dự án nhà ở xã hội Kira Home thuộc khu đô thị Legend City tại thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên; Dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Nam Vĩnh Yên (giai đoạn I); và Dự án nhà ở xã hội Thiện Kế Xanh.

Song song đó, Vĩnh Phúc đã xây dựng danh mục dự án thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm. Tỉnh nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư và bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhằm đảm bảo chọn lựa được các nhà đầu tư đủ năng lực và điều kiện để thực hiện dự án theo định hướng thu hút đầu tư.

Để tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế trình Chính phủ xem xét; có hướng dẫn cụ thể về phát triển các loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên ngành. Đồng thời, tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý nhà nước hiện nay đã ban hành tại các luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

Với việc thu hút và phát triển các khu công nghiệp xanh, hiện đại, Vĩnh Phúc sẽ đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng để phát triển nhanh và bền vững. Điều này giúp tỉnh có thể ứng phó kịp thời khi một số ngành gặp khó khăn, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước. Đặc biệt, tỉnh sẽ chuyển từ gia công, lắp ráp sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vinh-phuc-thuc-day-go-kho-cho-phat-trien-khu-cong-nghiep-140912.htm
Zalo