Vĩnh Hưng - Tập trung phát triển kinh tế tập thể
Việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Qua đó, tạo mối liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hướng đến phát triển nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững.
Đến nay, huyện Vĩnh Hưng có 1 liên hiệp HTX, 13 HTX và 51 THT với gần 500 thành viên, ngành nghề hoạt động kinh doanh: Liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, làm dịch vụ bơm điện, làm đất, sạ giống, phun thuốc, thu hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp,...
Các HTX, THT được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có hợp đồng giao dịch kinh tế với thành viên; giải quyết các vấn đề về thiếu vốn, sản xuất nhỏ, lẻ, thị trường tiêu thụ, giá cả đầu vào, đầu ra; chủ động trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho thành viên và nông dân tham gia.
Anh Nguyễn Trí Nam - thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Tôi tham gia HTX từ ngày mới thành lập và đang canh tác 3ha lúa. Hiện đầu mỗi vụ HTX đều ký kết với công ty thu mua để bảo đảm đầu ra cho các thành viên. Do đó, nông dân chúng tôi an tâm đầu tư sản xuất, không còn phải lo về vấn đề tiêu thụ lúa mỗi khi đến mùa thu hoạch”.
Theo đánh giá của huyện Vĩnh Hưng, tham gia vào HTX, THT (có liên kết) làm giảm chi phí sản xuất, bình quân 1-2 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận từ 2,5-3,5 triệu đồng/ha so với sản xuất không có liên kết, đặc biệt liên kết tập trung, đồng nhất về loại giống, tạo nên cánh đồng sản xuất hàng hóa lớn, gắn kết doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả và thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, năng lực quản lý của HTX, THT còn yếu, quy mô còn nhỏ; thiếu vốn và cơ sở vật chất, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; nông dân còn e ngại, chưa tin tưởng vào phương thức canh tác mới (sạ thưa, canh tác 1 loại giống, sản xuất hữu cơ,...); sản xuất, kinh doanh hiệu quả còn thấp, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng sản xuất, kinh doanh, đổi mới quy chế quản lý hoạt động,...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, để mô hình KTTT thật sự phát triển bền vững, huyện tiếp tục củng cố nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo huyện, xã; tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn trong quản lý nhà nước về KTTT.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; tiếp tục củng cố hoạt động các HTX hiện có, phát triển mở rộng thành viên, diện tích sản xuất, nhất là xây dựng HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp,.../.