Vinamilk ghi nhận lợi nhuận quý thấp nhất một thập kỷ

Quý 1/2025, Vinamilk báo lãi sau thuế 1.587 tỷ đồng, giảm 28% so với quý 1/2024, ghi nhận quý có lợi nhuận thấp nhất của công ty này kể từ quý 2/2015.

Theo báo cáo hợp nhất quý 1/2025 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM), doanh thu thuần trong kỳ đạt 12.935 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, với đóng góp từ thị trường trong nước và nước ngoài chiếm lần lượt 77% và 23%.

Cụ thể, doanh thu từ thị trường trong nước giảm 13% so với cùng kỳ còn 10.011 tỷ đồng. Trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 8.804 tỷ đồng, giảm 13,5%.

Ngược lại, thị trường nước ngoài duy trì tăng trưởng dương 7 quý liên tiếp, đạt 2.924 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ nhờ hoạt động xuất khẩu. Riêng doanh thu thuần xuất khẩu tăng trưởng tới 25% lên 1.620 tỷ đồng với động lực tăng trưởng là thị trường truyền thống tại Trung Đông, điển hình là thị trường Iraq. Còn doanh thu các chi nhánh nước ngoài đạt 1.304 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý 1/2024.

Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp hợp nhất quý đầu năm đạt 5.210 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp 40,3%, giảm so với mức 41,9% cùng kỳ song đã có cải thiện so với quý 4/2024.

Quý 1/2025, công ty báo lãi sau thuế 1.587 tỷ đồng và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.568 tỷ đồng; giảm lần lượt 28% và 29% so với quý 1/2024. Như vậy, đây là quý ghi nhận lợi nhuận thấp nhất kể từ quý 2/2015 của Vinamilk.

Năm nay, Vinamilk đề ra kế hoạch tổng doanh thu 64.505 tỷ đồng, lãi sau thuế 9.680 tỷ đồng; tăng lần lượt 4,3% và 2,4% so với năm 2024. Như vậy, công ty đã thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 16% mục tiêu lợi nhuận năm sau ba tháng.

Tại thời điểm ngày 31/3/2025, tổng tài sản của công ty đạt 55.014 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu trong kỳ của công ty tăng nhẹ 4% lên 37.622 tỷ đồng. Gần 47% tài sản của Vinamilk, tương đương 25.709 tỷ đồng nằm ở khoản tiền, tiền gửi ngân hàng. Quý đầu năm, khoản mục này đem về cho công ty ngành sữa này 341 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Hàng tồn kho với chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phẩm ghi nhận gần 7.000 tỷ đồng, dự phòng giảm giá 37 tỷ đồng.

Về nợ phải trả, Vinamilk ghi nhận 17.391 tỷ đồng, trong đó có hơn 10.060 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Trong 3 tháng đầu năm 2025, chi phí lãi vay ghi nhận 75 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 ngày 26/4 vừa qua, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, trước bối cảnh các doanh nghiệp đang lo ngại về mức thuế đối ứng mà phía Mỹ đưa ra, Vinamilk cho hay doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ áp thuế hàng hóa Việt Nam.

Cụ thể, trước lo ngại về khả năng cạnh tranh khi thuế nhập khẩu sữa Mỹ có thể giảm về 0%, bà Mai Kiều Liên nhận định tác động đến hoạt động kinh doanh của Vinamilk sẽ không đáng kể. Hiện sữa nước nhập khẩu đang chịu thuế từ 2%-15%, nếu thuế này về 0%, thị trường có thể có một số biến động. Tuy nhiên, sữa nước nhập khẩu vẫn khó cạnh tranh với sản phẩm trong nước do yếu tố tươi mới, lợi thế logistics và mức giá phù hợp.

Với sữa bột, hiện thuế nhập khẩu ở mức 10%. Nếu được miễn thuế, sự thay đổi là tương đối, tuy nhiên chênh lệch giá giữa các phân khúc sản phẩm vẫn rất lớn. Vì vậy, ngay cả ở phân khúc cao cấp, sữa nhập khẩu từ Mỹ cũng khó cạnh tranh về giá so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.

Tổng giám đốc Vinamilk nhấn mạnh, với Vinamilk, thị trường nội địa vẫn là chủ yếu. Còn về xuất khẩu, dù tốc độ tăng trưởng tốt nhưng doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng không lớn, do đó chưa gây ảnh hưởng lớn đến tổng thể hoạt động.

"Tình hình vĩ mô 2025 đang chứng kiến nhiều biến động lớn, Vinamilk sẽ nỗ lực thích nghi nhanh nhất để hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đã thông qua," bà Mai Kiều Liên chia sẻ.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vinamilk-ghi-nhan-loi-nhuan-quy-thap-nhat-mot-thap-ky-41054.html
Zalo