Vĩnh biệt nhà thơ Dương Kỳ Anh: 'Bây giờ ta đi ở ẩn'…

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, người sáng lập của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8 giờ 30 ngày 25/2 trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, người thân, bạn bè....

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, tên thật là Dương Xuân Nam, sinh năm 1948 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông không chỉ được biết đến như một nhà thơ, nhà văn, nhà báo tài năng mà còn là người tiên phong khởi xướng các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam, được mệnh danh là "Cha đẻ của các cuộc thi hoa hậu Việt".

Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8 giờ 30 ngày 25/2 sau thời gian dài điều trị ung thư gan để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người hâm mộ và giới văn chương Việt Nam.

 Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, người sáng lập của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, người sáng lập của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

"Cha đẻ" của các cuộc thi hoa hậu Việt Nam

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhà thơ Dương Kỳ Anh trải qua một tuổi thơ gian khó nhưng đầy ắp kỷ niệm. Những trải nghiệm từ quê hương đã thấm sâu vào tâm hồn ông, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho sự nghiệp sáng tác sau này. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn khoa, ông tham gia quân ngũ, trở thành sĩ quan điều khiển tên lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trải nghiệm trong quân đội không chỉ rèn luyện ý chí mà còn giúp ông tích lũy nhiều chất liệu cho sáng tác văn học.

 Nhà thơ Dương Kỳ Anh, "cha đẻ" cuộc thi Hoa hậu Việt Nam quan niệm, hoa hậu là một cuộc thi về nhan sắc, tuy nhiên, sắc đẹp đó phải hài hòa với trí tuệ.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, "cha đẻ" cuộc thi Hoa hậu Việt Nam quan niệm, hoa hậu là một cuộc thi về nhan sắc, tuy nhiên, sắc đẹp đó phải hài hòa với trí tuệ.

Sau khi rời quân ngũ, Dương Kỳ Anh bắt đầu sự nghiệp báo chí và văn chương. Ông từng đảm nhiệm vị trí Tổng biên tập báo Tiền Phong, nơi ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của ông, báo Tiền Phong không chỉ phát triển mạnh mẽ về nội dung mà còn tiên phong trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội có tầm ảnh hưởng lớn.

Năm 1988, với tầm nhìn và sự nhạy bén, Dương Kỳ Anh đã khởi xướng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên, mở ra một trang mới cho lĩnh vực văn hóa và giải trí nước nhà. Ông đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến 2008. Dưới sự dẫn dắt của ông, cuộc thi đã trở thành sân chơi uy tín, phát hiện và tôn vinh nhiều nhan sắc tài năng, đóng góp tích cực cho xã hội.

Việc tổ chức thành công các cuộc thi hoa hậu không chỉ khẳng định tài năng quản lý và tầm nhìn chiến lược của Dương Kỳ Anh mà còn góp phần thay đổi quan niệm xã hội về vẻ đẹp và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

“Cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam quan niệm, hoa hậu là một cuộc thi về nhan sắc, tuy nhiên, sắc đẹp đó phải hài hòa với trí tuệ. “Thời của tôi, nếu hoa hậu không có sự hài hòa giữa trí tuệ và sắc đẹp thì không được chọn”, nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.

Trong một dịp trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, nhà thơ Dương Kỳ Anh từng chia sẻ, tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức năm 1996, có một thí sinh có nhan sắc vượt trội, đẹp nhất trong các thí sinh. Diễn viên Trà Giang khi đó đã nhận xét, nếu xét riêng về sắc đẹp, thí sinh đó có thể tham gia đấu trường quốc tế và có thể đoạt giải. Thế nhưng cuối cùng, thí sinh đó đã không được Ban Tổ chức chọn là hoa hậu vì ứng xử không tốt.

Như vậy, để trở thành hoa hậu, đẹp thôi chưa đủ, mà còn phải có trí tuệ, nhận thức, ứng xử ngang tầm sắc đẹp. Và trí tuệ, ứng xử, nhận thức ấy không chỉ ở trong một cuộc thi, mà còn phải thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, đó mới là hoa hậu.

Ông cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ khi cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp, không phải cuộc thi người đẹp nào cũng gọi là thi hoa hậu. Cùng với đó, sẽ chỉ có vài cuộc thi được trao danh hiệu hoa hậu. Còn lại thì gọi là người đẹp hay hoa khôi chứ không phải như tình trạng hiện nay, có câu nói vui “ra ngõ gặp hoa hậu”, khiến danh hiệu hoa hậu bị “rẻ rúng”.

“Bây giờ ta đi ở ẩn/ Ẩn vào cây, ẩn vào hoa”…

Nhà thơ Dương Kỳ Anh là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, bao gồm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn và phóng sự. Ông đã xuất bản 25 tập sách, trong đó có 5 tập thơ, 3 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và nhiều tập phóng sự, ghi chép, sưu tầm, biên soạn. Những tác phẩm của ông phản ánh sâu sắc cuộc sống, con người và những trăn trở về thân phận, tình yêu và xã hội.

 "Bây giờ ta đi ở ẩn / Ẩn vào cây, ẩn vào hoa / Ẩn vào sương, ẩn vào nắng / Mặc bình minh với chiều tà..." (trích bài Ẩn).

"Bây giờ ta đi ở ẩn / Ẩn vào cây, ẩn vào hoa / Ẩn vào sương, ẩn vào nắng / Mặc bình minh với chiều tà..." (trích bài Ẩn).

Năm 2024, ông ra mắt tập thơ "Thơ chọn", tập hợp những bài thơ tâm đắc nhất trong sự nghiệp sáng tác. Trong buổi ra mắt, nhà thơ chia sẻ: "Tôi gửi gắm mong ước được đi tìm kiếm chính mình, hiểu rõ hơn về bản thân với đủ cung bậc xúc cảm. Có như vậy mới biết yêu người, yêu đời thiết tha".

Tập thơ nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn và bạn đọc, khẳng định vị thế của ông trong làng thơ Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét về "Thơ chọn": "Tập thơ đề cập đến nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề, nhiều cung bậc của cảm xúc và nhiều thông điệp trong cuộc sống. Nhưng với tôi, tư tưởng xuyên suốt tập thơ là ý nghĩa của kiếp người và những giá trị vĩnh hằng của đời sống".

Sau khi nghỉ hưu, nhà thơ Dương Kỳ Anh chọn cho mình cuộc sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Ông dành nhiều thời gian cho việc sáng tác và chăm sóc khu vườn nhỏ của mình. Trong bài thơ "Ẩn" từ tập thơ "Thong Thả", ông viết: "Bây giờ ta đi ở ẩn / Ẩn vào cây, ẩn vào hoa / Ẩn vào sương, ẩn vào nắng / Mặc bình minh với chiều tà..." .

Nhà thơ Dương Kỳ Anh là người rất yêu thiên nhiên, trân trọng từng khoảnh khắc đẹp đẽ của cỏ cây, hoa lá. Trong bài thơ "Bụi" ông viết: ..."Ta yêu mảnh vườn lớp lớp cây xanh/Những buổi mai yên tĩnh/Nghe cành hoa dấy trèo lên ngọn cây thông/Giữa mùa đông/Nở tràn hoa tím/Những con chim/Khéc Méc đuôi dài/Kêu khách khách…".

Đắm chìm trong thiên nhiên, ông cảm thấy mình thực sự hạnh phúc với những điều giản dị mà trước đây, có thể vì sự bận rộn, không có nhiều thời gian cảm nhận: "Ta nằm khảnh ngoài hiên / gió mát chờ trăng lên / Trăng lên, kìa lạ quá / Trăng ngẩn ngơ trước đèn ...'' (Trích bài thơ Nhàn trong tập Thong Thả).

Cuộc sống giản dị giúp ông tìm thấy sự thanh thản và tiếp tục cống hiến cho văn chương. Ông thường đăng những hình ảnh vườn tược, cây, hoa, lá… lên trang cá nhân, lan tỏa năng lượng tích cực. Cách đây ít ngày, ông vẫn đăng bài thơ “Đợi em trong hội” với những câu thơ thật “tình”: “Mới hay sau buổi gặt chiều/Em thành cô Tấm dập dìu hội xuân...” và tương tác với bạn đọc.

Vì thế, tin nhà thơ Dương Kỳ Anh qua đời đã gây bàng hoàng cho nhiều bạn bè, người yêu mến ông. Trên trang cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, khi nghe tin nhà thơ Dương Kỳ Anh giã từ cõi thế, ông có cảm giác nhà thơ Dương Kỳ Anh chỉ là “khép cửa đi chơi”.

Bởi gần đây, nhà thơ Dương Kỳ Anh còn gọi cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nói sẽ đến dự buổi ra mắt trường ca của nhà văn nếu thấy khỏe hơn.

“Dương Kỳ Anh là một người đặc biệt. Ông là một nhà báo thành công, một nhà thơ dấn thân, một nhà tổ chức sự kiện tài ba. Nhưng với tôi, điều còn vang trong tôi là những câu thơ của ông. Ở đấy tôi nghe thấy tiếng độc thoại của phận người trong đời sống quá nhiều bất trắc”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Với những đóng góp to lớn cho văn học và văn hóa Việt Nam, Dương Kỳ Anh đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm: Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1988; Giải thưởng bài thơ hay do Báo Nhân Dân tuyển chọn năm 1988; Giải Đặc biệt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du với tiểu thuyết "Xuyên Cẩm" năm 2005.

Ông cũng được ghi danh trong từ điển Danh nhân Văn hóa Thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương), khẳng định tầm ảnh hưởng và uy tín của mình trong lĩnh vực văn hóa.

Sự ra đi của nhà thơ Dương Kỳ Anh là mất mát lớn đối với văn học và văn hóa Việt Nam. “Bây giờ ta đi ở ẩn / Bạn bè chỉ gặp qua meo* (email) / Thời gian như con hạc trắng / Ngàn năm vỗ cánh bay vèo..." (trích bài thơ Ẩn từ tập thơ Thong Thả). Xin vĩnh biệt ông về với miền ngàn năm mây trắng.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vinh-biet-nha-tho-duong-ky-anh-bay-gio-ta-di-o-an-2083786.html
Zalo