Đồng xa cỏ ngọt - thương thay hai tiếng quê nhà

“Đồng xa cỏ ngọt” (Nhà xuất bản Dân Trí, năm 2024) - tập tản văn của tác giả Hoàng Hiền là những mảnh ký ức xuyên suốt từ phố về làng, từ thực tại về với ấu thơ. Không gian ký ức của tác giả chính là ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Cái hiền hòa của một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng khi đọc tập tản văn này, tôi lại tìm thấy những ký ức lấm lem bùn đất, rờ rỡ tươi đẹp của chính mình. Dường như không phải tác giả đang kể câu chuyện của cánh đồng, mà cánh đồng đang kể câu chuyện của chính mình, tất cả những cánh đồng nằm rải rác trên khắp đất nước ta, dù chiêm trũng hay khô cằn, dù nước ngọt hay nước lợ, dù đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long. Thủ thỉ, rì rầm, cánh đồng không chỉ kể câu chuyện về cỏ ngọt, nếp cái hoa vàng… mà còn kể về tâm tình của những người con rời làng bôn ba phố xá vẫn một lòng đau đáu nhớ thương quê…

Hoàng Hiền quê gốc ở Hải Dương, nhưng chị đã theo gia đình vào Nam từ năm 18 tuổi. Suốt 20 năm qua, tuy hòa mình giữa TP. Hồ Chí Minh nhưng nguồn cội quê nhà luôn da diết khôn nguôi và trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tạo văn chương của chị. Trong tản văn “Đồng xa cỏ ngọt”, có đoạn tác giả kể về việc tìm lại được người bạn thuở chăn trâu cắt cỏ từng rời bỏ quê hương. Theo thời gian, nhiều vùng ký ức chỉ còn lại những khoảng trắng. Ấy vậy mà đối với Hoàng Hiền, ký ức về làng quê vẫn rõ nét: “Mỗi lần nghĩ về nhà cũ, bao giờ hình ảnh cái bể nước mưa cũng hiện lên rõ nét: Từ vết nứt mọc đầy rêu ở bậc thềm đứng múc nước, từ bụi cỏ mật lún phún xanh mọc dưới chân bể thơm ngan ngát khi mùa xuân về, từ đám lá trầu không xanh mướt đến đàn chim hay bay về quẹt mỏ chiêm chiếp với đàn gà trong sân. Tất cả đều bình yên, đẹp đẽ và rõ nét như được chụp lại bằng trí nhớ” (“Cái bể nước mưa”).

Có khi tác giả dẫn người đọc tới những không gian khác. Nhưng dù ở đâu, làm gì thì tất cả những bình dị, thân thương nhất cũng đều khiến người ta nhớ đến quê hương. Như chiều chiều đứng trên sân thượng của ngôi nhà hiện tại nằm trong một quận vùng ven TP. Hồ Chí Minh, nhìn các bác, các dì lui cui quét sân quét ngõ, tác giả “nhớ nao lòng tấm lưng đầm đìa mồ hôi của cha mẹ ở quê nhà, nhớ khoảng sân rộng suốt ấu thơ chạy ra chạy vào ngóng mẹ sau buổi chợ” (“Cuối hẻm”). Như khi ngồi cùng bạn ở bãi biển của một thành phố trẻ “ngắm những chiếc thuyền lớn tôi lại nhớ con thuyền của chú tôi tròng trành neo ở bến sông quê nhà” (“Chỉ nghe sóng vỗ”).

Hình ảnh về người mẹ đã mất chính là mạch nguồn cảm xúc xuyên suốt các tác phẩm trong “Đồng xa cỏ ngọt”. Bởi trong mẹ có quê hương, trong quê hương không thể nào vắng hình ảnh mẹ. Trong tản văn “Đường về nhà”, nhiều bạn đọc sẽ tìm thấy mẹ mình đâu đó trong hình ảnh “mẹ làm cỏ sục bùn, mẹ quạc sâu cuốn lá, mẹ dặm lúa, tỉa hành, phát bờ cuốc góc. Từ cánh đồng, mẹ dạy “dễ rơi là hạt đầu bông”, mẹ dạy “lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”, dạy vay người vực bát gạo cuối mùa thì đầu mùa phải trả lại đầy vun… Dẫu đi qua bao đắng cay tủi nhục mẹ vẫn dạy các con sống lương thiện hiền hòa”…

Đọc xong “Đồng xa cỏ ngọt”, tôi thấy có một con đường dần được hiện lên. Với người này đó là con đường để rời đi nhưng với người khác đó lại là con đường trở về nhà…

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202502/dong-xa-co-ngot-thuong-thay-hai-tieng-que-nha-8b30bb3/
Zalo