Vinasun (VNS): 'Của để dành' cạn dần
Lợi nhuận thấp dần trong các năm qua, trong khi vẫn duy trì chia cổ tức bằng tiền mặt khiến khoản lợi nhuận lũy kế của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) cạn dần.

Theo dữ liệu của Mordor Intelligence, Vinasun hiện chiếm khoảng 2,44% thị phần vận tải taxi
Lợi nhuận tiếp đà suy giảm
Sau khi thua lỗ trong hai năm Covid-19, Vinasun báo lãi 186,8 tỷ đồng trong năm 2022. Giai đoạn 2023 - 2024, Công ty vẫn báo lãi nhưng lợi nhuận trong đà đi xuống: năm 2023, lãi 151,2 tỷ đồng, giảm 18,4% so với năm 2022; năm 2024, lãi 84,07 tỷ đồng, giảm 44,4% so với năm trước đó. Năm nay, Công ty lên kế hoạch lợi nhuận giảm 36,2% so với năm 2024, về mức 53,63 tỷ đồng.
Dù tình hình kinh doanh suy giảm nhưng những năm qua, Vinasun vẫn chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông, với tỷ lệ khá hấp dẫn. Trong đó, tỷ lệ cổ tức năm 2022 là 8%, cổ tức năm 2023 lên tới 45% và cổ tức năm 2024 là 15%. Năm nay, Công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức 10%, tương ứng mức chi ra khoảng 67,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2023, trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh giảm sút nhưng Vinasun vẫn trả cổ tức với tỷ lệ rất cao và một số cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo Công ty về quyết định này. Tuy nhiên, Chủ tịch Vinasun Tạ Long Hỷ khẳng định, chính sách cổ tức này dựa trên cơ sở có tới 90 - 95% cổ đông gắn bó với Công ty trong suốt thời gian dài và Vinasun luôn cân đối sự phát triển của Công ty với quyền lợi của cổ đông.
Với việc liên tục chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao, khoản mục lãi lũy kế cũng như quỹ tiền mặt của Công ty giảm mạnh trong vài năm qua. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2021, Vinasun có khoản lãi lũy kế 442,1 tỷ đồng, lượng tiền mặt là 371 tỷ đồng thì đến cuối năm 2024, lãi lũy kế của Công ty chỉ còn 114,7 tỷ đồng, quỹ tiền mặt giảm xuống 270,17 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2025 sắp diễn ra, Vinasun dự kiến trình cổ đông thông qua việc chuyển 268,69 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển và dự phòng tài chính sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chủ động trong việc chia cổ tức, hoặc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông.
Áp lực cạnh tranh lớn
Được biết, Vinasun vẫn đang thực hiện chiến lược đầu tư xe mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung vào thị trường truyền thống TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng. Riêng năm nay, Công ty lên kế hoạch đầu tư khoảng 400 xe, chủ yếu là dòng xe cao cấp hybrid của Toyota, đồng thời thanh lý, bán trả chậm khoảng 500 xe. Tổng số xe dự kiến hoạt động tới cuối năm 2025 là 2.368 xe (trong năm 2024, đội xe của Vinasun đã giảm 6,6%, về 2.418 xe). Việc chia cổ tức bằng tiền trong bối cảnh kinh doanh khó khăn và doanh nghiệp cần vốn để đẩy mạnh đầu tư xe mới là điều cổ đông quan tâm.
Thực tế, taxi là một ngành kinh doanh rất cạnh tranh trong những năm gần đây khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sử dụng xe điện thân thiện với môi trường và tiết kiệm nguyên liệu của VinFast, thị trường taxi có thêm nhiều hãng taxi mới gia nhập, áp lực cạnh tranh càng khốc liệt hơn.
Tháng 3 vừa qua, hãng taxi điện với tên gọi “911 Taxi” ra đời, tập trung vào khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, với hàng loạt chính sách hấp dẫn về hoa hồng, chính sách phúc lợi cho tài xế, giá cước cạnh tranh, đặc biệt là chi phí sạc điện gần như bằng 0 trong suốt quá trình chạy xe nếu tài xế sử dụng linh hoạt. Trước đó, cuối năm 2024, ở khu vực phía Bắc, Thanh Nga, Bắc Á, Quê Lụa và Long Biên - bốn hãng taxi lâu đời tại Hà Nội - ký hợp đồng mua và thuê 1.000 xe điện VinFast để thực hiện chuyển đổi sang taxi điện với chi phí vận hành thấp hơn nhiều xe xăng.
Theo dữ liệu của Mordor Intelligence, Xanh SM đã vượt Grab để dẫn đầu lĩnh vực taxi công nghệ vào cuối năm 2024, với 37,41% thị phần, trong khi Grab nắm 36,62%. Các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun dù vẫn có chỗ đứng nhưng chiếm thị phần không đáng kể, lần lượt là 4,81% và 2,44%.