Vinacomin sắp bán đấu giá 4,49% vốn Thiết bị điện Cẩm Phả

Sau hơn 60 năm phát triển, Công ty Cổ phần Thiết bị điện Cẩm Phả đã tham gia hàng ngàn dự án cung cấp giải pháp điện trên toàn quốc như: Trạm biến áp 110 kV Phúc Thọ, các dự án điện mặt trời Trúc Sơn (44,4 MW), Bầu Ngứ (50 MWp), Sao Mai (210 MW)…

Vào ngày 16/5 tới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Công ty Cổ phần Thiết bị điện Cẩm Phả do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sở hữu.

Theo đó, Vinacomin sẽ bán đấu giá 795.177 cổ phần phổ thông (tương đương 4,49% vốn điều lệ) của Thiết bị điện Cẩm Phả. Mức giá khởi điểm được đưa ra là 31.100 đồng/cổ phần, cao gấp 3,11 lần mệnh giá.

Thời gian đăng ký và nộp cọc tham gia đấu giá là từ ngày 22/4/2025 đến hết 15h30 ngày 9/5/2025 tại các đại lý đấu giá do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố. Tổ chức tư vấn bán đấu giá là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Thiết bị điện Cẩm Phả tiền thân là Xưởng điện Cẩm Phả thành lập năm 1960. Sau hơn 60 năm phát triển, công ty hiện hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất máy biến áp, các thiết bị phòng nổ, dịch vụ xây lắp trạm và đường dây, và dịch vụ bảo trì, sửa chữa thiết bị điện.

Công ty đã tham gia hàng ngàn dự án cung cấp giải pháp điện trên toàn quốc với một số công trình hạ tầng điện nổi bật là Trạm biến áp 110 kV Phúc Thọ (Hà Nội), Trạm biến áp 110 kV Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu)…, cung cấp thiết bị, dịch vụ cho các dự án điện mặt trời Hàm Kiệm (15 MWp, Bình Thuận), Trúc Sơn (44,4 MWp, Đắk Nông), Bầu Ngứ (50 MWp, Ninh Thuận), Sao Mai (210 MW, An Giang)…

Thiết bị điện Cẩm Phả hiện có vốn điều lệ 179,6 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 đạt 635,7 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ở mức 302,8 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2024, Thiết bị điện Cẩm Phả ghi nhận 486 tỷ đồng doanh thu và 18,3 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 47,2% và tăng 482% so với mức thực hiện của năm 2023.

Hoạt động kinh doanh của Thiết bị điện Cẩm Phả nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện nói chung trong thời gian tới được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp từ việc Chính phủ đang đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng điện nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao.

Theo Quy hoạch Điện VIII (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 15/4 vừa qua, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải trong giai đoạn 2026 - 2030 lên tới 136,3 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 118,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18,1 tỷ USD. Quy hoạch chú trọng đầu tư các đường dây 500kV, trạm biến áp 500kV, đường dây và trạm biến áp 220kV.

Năm nay, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đặt mục tiêu khởi công 34 dự án, hoàn thành và đóng điện 74 dự án. Tổng giá trị đầu tư xây dựng ước tính 20.670 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần khoảng 14.746 tỷ đồng.

Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, việc đầu tư lưới điện truyền tải sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới đây khi Luật Điện lực (sửa đổi) đã có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, cho phép phân cấp quyết định chủ trương đầu tư đến UBND cấp tỉnh đối với dự án lưới điện và cho phép tư nhân hóa các đường dây truyền tải từ 220kV trở xuống.

Trong đó, Chứng khoán Shinhan Securities dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cho xây dựng lưới điện truyền tải và trạm biến áp lần lượt là 11%/năm và 13%/ năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vinacomin-sap-ban-dau-gia-4-49--von-thiet-bi-dien-cam-pha-140058.htm
Zalo