Vina T&T và bài toán sinh tồn trong biến động thuế quan Mỹ

Vina T&T kỳ vọng Việt Nam sẽ tìm được lối ra trước làn sóng áp thuế của Mỹ nhưng đồng thời cũng chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group thẳng thắn nhìn nhận rủi ro từ việc Mỹ áp thuế với hàng hóa Việt Nam vẫn rất cao, đặc biệt khi chính quyền ông Trump đang có những bước đi ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp Mỹ.

Các đối tác nhập khẩu của Vina T&T tại Mỹ nói với ông Tùng rằng các chính sách mà ông Trump đang ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn của họ và áp lực tăng giá hàng hóa bắt đầu gây xáo trộn thị trường tiêu dùng.

“Lúc trước người ta mua hàng có 10 đồng nhưng hiện nay người ta phải bỏ tới 15 đồng để mua một món hàng trong khi thu nhập không tăng", ông Tùng nói và cho biết thêm các doanh nghiệp Mỹ cũng rất hoang mang về vấn đề chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải liên tục chạy đua với thời gian. Vina T&T phải dốc sức đẩy hàng đi ngay trước thời điểm thuế 10% có hiệu lực vào ngày 4/4, sau đó lại tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn thuế 46% bắt đầu chỉ năm ngày sau đó. Điều đó đồng nghĩa mọi lô hàng buộc phải rời cảng trước đầu tuần đầu tháng 4.

"Đây là một bài toán đầy áp lực về logistics và vận hành", ông Tùng nói trong cuộc tọa đàm về các kịch bản và ứng phó với Mỹ áp thuế tổ chức hôm nay.

Ông Tùng nhìn nhận thời gian hoãn thuế 90 ngày được chính quyền Mỹ đưa ra là một cơ hội với các doanh nghiệp, trong đó có Vina T&T. Ngay sau khi có thông tin hoãn áp thuế, doanh nghiệp này đã nhận được cuộc gọi của đối tác Mỹ từ lúc 3h sáng theo giờ Việt Nam đề nghị khôi phục các đơn hàng xuất khẩu bình thường.

Tuy nhiên, đây cũng đồng thời cũng là một ẩn số lớn. Doanh nghiệp Việt vừa mừng vừa lo, bởi không ai biết liệu có thêm thay đổi nào nữa trong thời gian này hay không. Việc ông Trump có thể rút ngắn thời gian hoãn thuế hay các doanh nghiệp dù cố gắng hết sức vẫn không kịp sản xuất và “chạy hàng” đúng hạn, là những kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều này khiến các kế hoạch kinh doanh trở nên mong manh, buộc không chỉ doanh nghiệp Việt mà cả đối tác Mỹ cũng phải điều chỉnh chiến lược.

"Họ thậm chí lên kế hoạch theo từng tuần chứ không theo từng tháng như trước đây", ông Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group

Để thích ứng, Vina T&T liên tục trao đổi với các đối tác nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp. Doanh nghiệp cũng chủ động chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm bớt cú sốc thị trường và duy trì sức cạnh tranh.

Trong trường hợp Mỹ áp thuế 46%, ông Tùng cho biết, các doanh nghiệp Việt phải liên kết lại để có thể giảm giá thành sản phẩm từ 16-17% để có thể giữ chỗ đứng trên đất Mỹ. Để làm được như vậy đòi hỏi nỗ lực lớn từ toàn bộ chuỗi cung ứng, từ doanh nghiệp bao bì, đơn vị logistics đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Việc chuyển sang hình thức bán hàng theo điều kiện FOB, trong đó doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm giao hàng đến cảng còn khách hàng sẽ lo phần vận chuyển tiếp theo, cùng với việc đàm phán giảm giá cước tàu, là một phần trong chiến lược thích nghi chủ động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận thực tế rằng không phải người Mỹ nào cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền mua trái cây nhập khẩu khi thuế tăng. Do đó, Vina T&T đã đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt, Vina T&T đã có mặt ở thị trường Trung Quốc từ hai năm qua và đang tiếp nhận nhiều đoàn công tác tìm hiểu hợp tác. Đa dạng hóa thị trường là cách để không phụ thuộc vào một đầu ra duy nhất.

Bên cạnh thuế, ông Tùng cũng bày tỏ lo ngại về sự dè dặt của các ngân hàng.

"Tôi thấy các ngân hàng gọi điện cho tôi liên tục hỏi tình hình xuất khẩu có bị ảnh hưởng không. Họ lo doanh nghiệp không trả được nợ", ông Tùng kể.

Trong bối cảnh đầy bất ổn này, ông cho rằng các chính sách như giãn thời gian trả nợ, điều chỉnh lãi suất nên được cân nhắc sớm, nhất là với các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu vẫn còn đơn hàng, còn khả năng xoay sở.

Các ngân hàng gọi điện cho tôi liên tục hỏi tình hình xuất khẩu có bị ảnh hưởng không. Họ lo doanh nghiệp không trả được nợ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group

Vina T&T đã đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường để tránh phụ thuộc vào một đầu ra duy nhất. Ảnh: Vina T&T

Vina T&T đã đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường để tránh phụ thuộc vào một đầu ra duy nhất. Ảnh: Vina T&T

Theo ông Tùng, mức thuế 10% cho hàng Việt xuất vào Mỹ hiện tại giống như một phép thử về phản ứng của thị trường.

CEO Vina T&T cũng cho rằng, cần phân loại từng ngành nghề trong đàm phán với Mỹ, bởi không phải ngành nào cũng giống nhau. Riêng với rau quả, Việt Nam không chỉ có thể chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ mà còn đang nhập siêu từ Mỹ, điều này giúp việc đàm phán thuận lợi hơn so với các ngành sử dụng nguyên liệu từ các quốc gia mà Mỹ đối đầu.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vina-tt-va-bai-toan-sinh-ton-trong-bien-dong-thue-quan-my-d39685.html
Zalo