Viettel tăng trưởng 2 con số; HAGL Agrico sạch nợ với HAGL; Bút bi Thiên Long lãi hơn 1,3 tỷ đồng mỗi ngày

HAGL Agrico sạch nợ với HAGL; TNG ước lãi ròng 2024 cao nhất trong 20 năm; Bút bi Thiên Long lãi hơn 1,3 tỷ đồng mỗi ngày; Viettel tăng trưởng 2 con số trong năm 2024; Vinafood II đặt mục tiêu doanh thu 2025 gần 17.700 tỷ đồng.

Viettel tăng trưởng 2 con số trong năm 2024

Theo thông tin từ Tập đoàn Viettel, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2024 là 190.000 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch, tăng trưởng 10,3% - mức tăng cao nhất ngành.

Năm 2024, Viettel nộp ngân sách Nhà nước 44,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023.

Năm 2024, Viettel nộp ngân sách Nhà nước 44,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023.

Lợi nhuận trước thuế đạt 51.000 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch, tăng trưởng 11,3%.

Viettel nộp ngân sách Nhà nước 44.300 tỷ đồng, tăng 17%. Thu nhập bình quân của CBNV trong toàn Tập đoàn tăng 6%.

Động lực tăng trưởng của Tập đoàn đến từ việc duy trì tăng trưởng viễn thông trong nước, phát triển kinh doanh quốc tế, nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, phát triển lĩnh vực logistics, an ninh mạng, AI và công nghệ số...

Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu bước nhảy vọt khi nhiều sản phẩm công nghệ cao, từ vũ khí chiến lược đến thiết bị dân sự của Viettel đã chính thức được đưa vào khai thác, kinh doanh thương mại. Viettel có những hợp đồng xuất khẩu đầu tiên trị giá hàng triệu USD.

Hòa Phát muốn phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới

Theo thông tin từ Hòa Phát, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 đã sẵn sàng bước vào giai đoạn thử nghiệm từ đầu quý I/2025.

 Hòa Phát trở thành một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Hòa Phát trở thành một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Phân kỳ 2 dự kiến về đích vào cuối năm 2025.

Khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14,5 triệu tấn mỗi năm, bao gồm 8,6 triệu tấn thép HRC chất lượng cao. Quy mô này sẽ đưa Hòa Phát trở thành một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Song song với phát triển sản xuất thép, Hòa Phát cũng sở hữu quỹ đất lớn dành cho lĩnh vực khu công nghiệp. Hiện nay, “vua thép” có tổng quỹ đất quy hoạch hơn 1,133 ha tại Hưng Yên và Hà Nam.

Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) hiện đã thu hút 164 doanh nghiệp trong và ngoài nước, đạt tỷ lệ lấp đầy 95%. Giai đoạn 2 của KCN Yên Mỹ II mở rộng đã hoàn tất giải phóng mặt bằng với tỷ lệ lấp đầy gần 50%. Đặc biệt, Tập đoàn đang triển khai dự án nhà ở xã hội 31 ha tại KCN Yên Mỹ II nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Tập đoàn Hòa Phát đang thực hiện các thủ tục đầu tư để phát triển thêm 3 khu công nghiệp trong thời gian tới.

Bút bi Thiên Long lãi hơn 1,3 tỷ đồng mỗi ngày

Theo báo cáo kinh doanh sơ bộ 11 tháng năm 2024, doanh thu CTCP Tập đoàn Thiên Long ước đạt 3.470 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 91% kế hoạch năm.

Doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn Thiên Long đạt 925 tỷ đồng.

Doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn Thiên Long đạt 925 tỷ đồng.

Trong đó, thị trường nội địa mang về 2.545 tỷ đồng doanh thu, tăng 2%; doanh thu xuất khẩu tăng mạnh 21%, lên 925 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 44,52%, cải thiện so với mức 43,79% cùng kỳ.

Khấu trừ chi phí, lãi sau thuế 11 tháng ước đạt 448 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2023 và vượt 18% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tính trung bình, hãng bút bi Thiên Long lãi hơn 1,3 tỷ đồng/ngày.

Riêng tháng 11, lãi sau thuế lao dốc 64% so với cùng kỳ về còn 5 tỷ đồng, chủ yếu do tính chất mùa vụ. Thông thường, cao điểm kinh doanh của Thiên Long thường rơi vào quý 2-3, trong khi quý 4 là giai đoạn thấp điểm.

Nhằm mở rộng sang mảng bán lẻ, giữa tháng 12/2024, HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long đã quyết định góp thêm 270 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tân Lực Miền Nam. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Tân Lực Miền Nam sẽ tăng từ 80 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng (gấp 4,4 lần), tiếp tục là công ty con do Thiên Long sở hữu 100% vốn.

HAGL Agrico sạch nợ với HAGL

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) báo cáo đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ theo thỏa thuận và không còn công nợ phát sinh với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - công ty của bầu Đức - ông Đoàn Nguyên Đức.

HAGL Agrico sẽ nhận về tài sản hơn 32.500 ha đất cây trồng công nghiệp.

HAGL Agrico sẽ nhận về tài sản hơn 32.500 ha đất cây trồng công nghiệp.

HAGL Agrico đã hoàn tất trả 4.228 tỷ đồng theo thỏa thuận cam kết ba bên với BIDV và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Trong đó, Công ty thanh toán khoản vay trực tiếp cho BIDV 2.094 tỷ đồng và thanh toán nợ cho HAGL liên quan đến lô trái phiếu có mã HAGLBOND16.26 là 2.314 tỷ đồng.

Đổi lại, HAGL Agrico sẽ nhận về tài sản theo 4 đợt tổng cộng hơn 32.500ha đất cây trồng công nghiệp, bao gồm hơn 8.500 ha cọ dầu và hơn 24.000 ha cao su.

Đợt 1, Công ty sẽ được nhận quyền sử dụng đất và quyền khai thác 5.357 ha cọ dầu trên diện tích 9.470 ha; văn phòng, nhà máy cọ dầu, nhà máy nhiệt điện thuộc sở hữu của HA Andong Meas.

Đợt 2, nhận quyền sử dụng đất và khai thác 9.231 ha cao su và hơn 9.996 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu, Lào.

Đợt 3, nhận quyền sử dụng đất và khai thác 4.733 ha cao su và 3.155 ha cọ dầu tại tỉnh Attapeu của Công ty Hoàng Anh Attapeu.

Đợt 4, HAGL Agrico cho biết đang trong quá trình làm thủ tục với BIDV để nhận lại các tài sản như quyền sử dụng đất và quyền khai thác cao su trên diện tích 4.852 ha thuộc sở hữu của HA Quang Minh, quyền sử dụng đất và quyền khai thác cao su trên diện tích 1.960 ha thuộc sở hữu Công ty TNHH Heng Brother và quyền sử dụng đất và quyền khai thác cao su trên diện tích 3.283 ha thuộc sở hữu Công ty TNHH CRD.

HAGL Agrico tiền thân là CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai, sau đó chuyển nhượng cho công ty của tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Thaco.

TNG ước lãi ròng 2024 cao nhất trong 20 năm

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã công bố báo cáo kết quả thực hiện 2024.

 Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất củaTNG.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất củaTNG.

Theo đó, doanh thu TNG ước đạt 7.736 tỷ đồng và lãi ròng 315 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 44% so với năm 2023. Đây đều là các con số kỷ lục từ khi Doanh nghiệp công bố thông tin năm 2005. Trong đó, doanh thu có chuỗi 5 năm liên tục xô đổ kỷ lục mới.

Với kết quả trên, mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu năm (đạt 98%), song TNG vẫn vượt 2% mục tiêu lợi nhuận được ĐHĐCĐ giao.

Bóc tách doanh thu 2024, doanh thu xuất khẩu đóng góp tới 97% tổng doanh thu toàn Công ty, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất (49,85%), theo sau Pháp (12,94%); Tây Ban Nha (6,67%); Canada (5,98%)...

Kết thúc năm 2024, số lượng lao động của TNG đạt 19.200 người, tăng so với 18.000 người tại cuối năm 2023.

Vinafood II đặt mục tiêu doanh thu 2025 gần 17.700 tỷ đồng

Trên cơ sở kết quả 2024 khả quan, Tổng công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood II) đặt mục tiêu 2025 với doanh thu 17.695 tỷ đồng và lãi trước thuế 107 tỷ đồng.

Vinafood II đặt mục tiêu 2025 với doanh thu 17.695 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 107 tỷ đồng.

Vinafood II đặt mục tiêu 2025 với doanh thu 17.695 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 107 tỷ đồng.

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được ông Trần Tấn Đức, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinafood II báo cáo tại Hội nghị tổng kết.

Theo đó, mặc dù ĐBSCL gặp nhiều điều kiện bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ Đông Xuân 2023-2024, mưa lớn, giông lốc cuối vụ Hè Thu và đầu vụ Thu Đông, song năng suất, sản lượng năm 2024 của toàn Tổng công ty đều tăng so với 2023.

Đối với chỉ tiêu các mặt hàng chính, sản lượng quy gạo mua vào khoảng 1,3 triệu tấn, vượt 34% kế hoạch; lượng gạo bán ra hơn 1,2 triệu tấn, vượt 31% kế hoạch năm.

Các chỉ tiêu khác như kim ngạch xuất khẩu, tổng doanh thu, lãi trước thuế, nộp ngân sách Nhà nước đều vượt kế hoạch. Đáng chú ý, chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng doanh thu có bước tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt hơn 135%, 120% so với kế hoạch.

Dựa vào mục tiêu tổng doanh thu 2024 là 17.105 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm tổng doanh thu của Vinafood II đạt gần 20.600 tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả khả quan đạt được năm 2024, Vinafood II đặt mục tiêu 2025 với doanh thu 17.695 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 107 tỷ đồng. Về chỉ tiêu các mặt hàng chính, lượng mua vào quy gạo dự kiến 985 ngàn tấn; lượng gạo bán ra 985.000 tấn (gồm xuất khẩu 743.000 tấn, nội địa 242.000 tấn). Kim ngạch xuất khẩu mục tiêu 449,8 triệu USD.

Tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, Vinafood II từng là đơn vị sản xuất gạo lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa năm 2018, Công ty đối mặt các cuộc khủng hoảng liên quan tới sai phạm của ban lãnh đạo cũ, kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

VinaFood II chỉ mới có lãi ròng trở lại hơn 23 tỷ đồng vào năm 2023 và tiếp tục lãi gần 3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, lỗ lũy kế tính đến ngày 30/9/2024 còn hơn 2.790 tỷ đồng.

Khánh An tổng hợp

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viettel-tang-truong-2-con-so-hagl-agrico-sach-no-voi-hagl-but-bi-thien-long-lai-hon-13-ty-dong-moi-ngay-d238771.html
Zalo