Nắng mới trên An toàn khu Triệu Nguyên

Tháng 11/2024, Chính phủ ban hành quyết định công nhận xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là xã An toàn khu của trung ương đặt tại tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp to lớn của xã Triệu Nguyên trong thời kỳ chiến tranh gian khổ mà còn là nguồn động lực to lớn để Nhân dân địa phương tiếp tục phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Cổng chào thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên được xây dựng khang trang - Ảnh: T.T

Cổng chào thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên được xây dựng khang trang - Ảnh: T.T

Những dấu son trong lịch sử

Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên Nguyễn Thị Hạnh dẫn chúng tôi đến gặp ông Lương Thanh Phúc, năm nay 70 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, người mà chị Hạnh ví như “pho sử sống” hiếm hoi còn lại khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về lịch sử vùng đất này. Ngôi nhà ông Phúc chỉ cách một đoạn đường ngắn là đến nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Chúng tôi đi cùng ông đến viếng nghĩa trang, thắp nén hương thơm lên phần mộ các anh hùng liệt sĩ, đắm chìm trong ký ức của ông Phúc về chuyện tìm mộ liệt sĩ về chôn cất, huy động sức người, sức của để “san bằng cả quả đồi” xây dựng nghĩa trang làm nơi yên nghỉ cho liệt sĩ.

“Đó là vào năm 1984, trong quá trình đi làm rừng, người dân địa phương phát hiện thấy nhiều hài cốt liệt sĩ. Thế là cùng với chính quyền địa phương, Nhân dân phát động phong trào thành lập đoàn đi tìm mộ liệt sĩ. Hồi đó gian khổ lắm, lương thực không đủ ăn, chủ yếu là ăn khoai, sắn.

Mỗi chuyến đi rừng tìm mộ có khi dài hàng tháng trời, nhưng tinh thần của Nhân dân rất quyết tâm, trách nhiệm và đã tìm được 116 hài cốt liệt sĩ. Một vấn đề nan giải là đã có đất quy hoạch làm nghĩa trang để chôn cất, nhưng ban đầu không có đài tưởng niệm.

Địa phương giao nhiệm vụ cho đoàn thanh niên chủ trì, huy động nhân lực phá dỡ bê tông những cây cầu bị hỏng, lấy lõi sắt mang về, tận dụng vật liệu để xây đài tưởng niệm nghĩa trang. Trong những tháng ngày gian khổ đó, chính quyền, người dân đoàn kết một lòng chung sức xây dựng lại quê hương”, ông Phúc nhớ lại.

Chiến khu Ba Lòng (xã Triệu Nguyên và xã Ba Lòng ngày nay) là nơi có các cơ quan lãnh đạo của tỉnh đặt trụ sở, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, có các quyết sách của Đảng có tính chất quyết định đến sự chuyển biến của cuộc kháng chiến ở địa phương. Tiêu biểu như phong trào đấu tranh đòi dân sinh năm 1937 tại Khe Làng An, xã Triệu Nguyên, đồng chí Đoàn Thí, Huyện ủy viên huyện Triệu Phong tổ chức cuộc diễn thuyết thu hút hơn 1.000 người tham gia tại Thác Lo. Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại làng Trại Gỗ, Khe Làng An, xã Triệu Nguyên (tháng 12/1939) thành lập Tỉnh ủy mới gồm 7 đồng chí. Hội nghị đã quyết định chuyển toàn bộ tổ chức của Đảng và các đoàn thể vào hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

Cuối năm 1948, tại đây diễn ra hội nghị dân quân du kích toàn tỉnh với hơn 100 đại biểu để tổng kết các phong trào diệt giặc, trừ gian, phá hội tề, phong trào phá giao thông, tiếp tế của địch, phong trào dân quân du kích sản xuất tự túc, phong trào bổ túc văn hóa.

Một sự kiện quan trọng khác là Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ III được tổ chức tại địa danh Khe Làng An, xã Triệu Nguyên diễn ra từ ngày 20 -25/3/1949 với sự tham dự của 82 đại biểu chính thức. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa III gồm 14 đồng chí.

Chiến khu Ba Lòng là nơi diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch. Các đơn vị bộ đội, Bộ chỉ huy của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, Mặt trận B5 (Mặt trận Đường 9)... đều dựa vào vùng rừng núi của Triệu Nguyên để luyện tập, chỉnh quân, bàn bạc kế hoạch các chiến dịch lớn.

Với những thành tích, đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngày 23/4/2000, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Triệu Nguyên vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khởi sắc miền quê nông thôn mới

Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), dù xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế còn bộn bề khó khăn, nhưng bằng nỗ lực quyết tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, được sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của Nhân dân, ngày 17/4/2021, Triệu Nguyên là xã đầu tiên của huyện Đakrông công bố về đích NTM.

Sau khi về đích NTM, xã Triệu Nguyên gặp khó khăn trong việc duy trì các tiêu chí đã đạt được, đây sẽ là những cản trở, khó khăn trong quá trình thực hiện xây dựng NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới. Đối với một số tiêu chí khó đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 như tiêu chí thu nhập, xã Triệu Nguyên đã tăng cường công tác chỉ đạo, vận động Nhân dân tập trung phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất phù hợp.

Trong đó, trọng tâm đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện thâm canh cây trồng có hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương và gắn với thị trường.

Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; duy trì và nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn.

Mở rộng diện tích cây dược liệu sâm bố chính, lạc đen Nam Mỹ, tăng đàn gia súc, gia cầm và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng... Tổ chức “ngày nông thôn mới” vào ngày 12 hàng tháng ở tất cả các khu dân cư và các đơn vị đóng trên địa bàn, qua đó đã phát huy được vai trò của người dân trong tham gia xây dựng NTM.

Kết quả, đến hết năm 2024, xã Triệu Nguyên đã đạt 19/19 tiêu chí NTM và 10/19 tiêu chí NTM nâng cao. Một số tiêu chí nổi bật như thủy lợi, điện, nhà ở dân cư, y tế, hành chính công đã được hoàn thành.

Trên địa bàn xã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên với các sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng và có giá thành hợp lý như: trà đậu đen xanh lòng hoa nhài, trà đậu đen xanh lòng lá dứa, bột sâm bố chính, rượu sâm bố chính, trà sâm, sâm bố chính tươi và sấy khô, lạc nhân...

Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên Nguyễn Thị Hạnh thông tin: “Để nâng cao hiệu quả tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM, thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi.

Phát huy thế mạnh của địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới về giống có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khíhậu vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Hình thành một số mô hình liên doanh, liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ.

Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích HTX nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực ở địa phương”.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-moi-tren-an-toan-khu-trieu-nguyen-190939.htm
Zalo