Viettel phát triển hạ tầng logistics tại Lạng Sơn: Góp phần giải quyết ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu phía Bắc
Khi Công viên logistics Viettel (ở cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn) hoàn thành đầu tư các hạng mục và đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho vận tải hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, giải quyết tình trạng quá tải tại cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan.
Bước đi thể hiện quyết tâm phát triển hạ tầng logistics
Ngày 11/12/2024, tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức Lễ khai trương Công viên Logistics Viettel. Đây là bước đi thể hiện quyết tâm của Viettel tham gia phát triển hạ tầng logistics quốc gia hiện đại, góp phần khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, là trung tâm logistics có hạ tầng đồng bộ và hiện đại bậc nhất Việt Nam, ra đời với sứ mệnh trở thành cầu nối giao thương ASEAN và Trung Quốc, hướng tới đưa Việt Nam thành trung tâm logistics chiến lược của Đông Nam Á.
Những năm qua, việc ách tắc hàng hóa ở các cửa khẩu phía Bắc do hạn chế về hạ tầng và thiếu cơ chế liên thông trong xuất nhập khẩu hàng hóa hiệu quả, trở thành nỗi e ngại với DN, nhất là với DN kinh doanh hàng nông sản. Sự xuất hiện của Công viên Logistics Viettel góp phần tạo ra lời giải cho bài toán khó nêu trên. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm logistics cung cấp dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình, chuyên nghiệp, gồm: Thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho, vận chuyển và vận tải xuyên biên giới.
Theo Thượng tá Hoàng Trung Thành, TGĐ TCty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), sở dĩ dự án được gọi là công viên, vì khu vực này được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường, tạo ra không gian làm việc bền vững. Công viên Logistics Viettel sẽ trồng 3.000 cây xanh.
Công viên gồm các phân khu chính: Nhà liên ngành - Trung tâm điều hành (NOC); Cổng thông minh (Smart gate); Hệ thống soi chiếu tự động 6 chiều bằng tia X-Ray; Khu sang tải tự động sử dụng băng tải telescospic; Khu xử lý hàng thương mại điện tử và hàng chuyển phát nhanh; Khu trưng bày triển lãm và livestreams thương mại; Trung tâm giao dịch nông sản và Khu dịch vụ tiện ích.
Các công nghệ tiên tiến cùng hệ thống quy trình được thiết kế tối ưu, kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu hải quan Việt Nam, Trung Quốc và các cơ quan chức năng; giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa từ 4 - 5 ngày xuống dưới 1 ngày, giảm chi phí thông quan 30 - 40%. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các sản phẩm nông, thủy sản, là những loại mặt hàng có yêu cầu khắt khe về thời gian và bảo quản. Theo tính toán thì sự xuất hiện của Công viên Logistics Viettel có thể giúp tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây ở các tỉnh phía Nam lên Lạng Sơn từ 2,5 chuyến/tháng lên 4 - 5 chuyến/tháng.
Thiết kế vận hành tối ưu kết hợp công nghệ hiện đại
Công viên Logistics Viettel sẽ bố trí khu làm việc liên ngành của lực lượng chức năng hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc như hải quan, bộ đội biên phòng, kiểm dịch, ngân hàng, thuế. Mục tiêu đặt ra là hàng hóa sau khi đã được kiểm tra, thông quan tại công viên sẽ đưa thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải làm thủ tục ở bất cứ khâu nào khác.
Sau khi thông quan, xe container sẽ được kẹp chì và vận chuyển theo luồng xanh lên cửa khẩu, theo một con đường được bố trí hàng trăm camera, trong đó cứ 20m sẽ bố trí một camera loại thường và 100m bố trí một camera có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý.
Với thiết kế vận hành tối ưu kết hợp công nghệ hiện đại, Công viên Logistics Viettel có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày, góp phần nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn lên gấp đôi so với hiện tại.
Chia sẻ về tầm nhìn chiến lược của Viettel khi quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực logistics, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm TGĐ Viettel cho biết, ngành logistics hiện đóng góp khoảng 5 - 6% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam và đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn như chi phí logistics cao, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải.
Do đó, hạ tầng logistics mà Viettel Post đang kiến tạo sẽ có sứ mệnh là nền tảng để hình thành mạng lưới logistics hiện đại, đồng bộ, giúp kết nối hàng hóa của Việt Nam từ sản xuất, tiêu thụ nội địa đến xuất, nhập khẩu quốc tế, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Công viên Logistics Viettel được khai trương tại Lạng Sơn mới chỉ là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện sứ mệnh ấy. Tiếp theo, Viettel Post sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; trung tâm logistics nông sản; trung tâm logistics trong khu công nghiệp; hạ tầng chuỗi cung ứng; mạng lưới vận tải đa phương thức; tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực.