Việt Nam trỗi dậy thành trung tâm sản xuất ô tô mới tại Đông Nam Á
Trong bối cảnh nhiều nhà máy ô tô tại Đông Nam Á phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô, Việt Nam đang nổi lên là địa điểm mới thu hút đầu tư ngành công nghiệp ô tô, với hàng loạt dự án lớn được khởi công và đi vào hoạt động từ đầu năm 2025.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, để ngành ô tô Việt phát triển bền vững và doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh và chiến lược phát triển dài hạn.
Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2025, Việt Nam đã xuất xưởng khoảng 106.400 xe ô tô các loại, tăng ấn tượng 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xe điện chiếm khoảng 1/3 trong tổng sản lượng, cho thấy xu hướng chuyển dịch sang ô tô điện đang diễn ra mạnh mẽ.
Hàng loạt nhà máy mới cũng đang góp phần gia tăng sản lượng. Đầu năm 2025, TC Motor khánh thành nhà máy tại Quảng Ninh với công suất 120.000 xe/năm. Trước đó, từ cuối năm 2024, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Dự án này có quy mô 300.000 xe/năm (giai đoạn 1) và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2025 – chỉ sau 8 tháng xây dựng.
Tiếp nối làn sóng đầu tư mạnh mẽ, hai dự án lớn sắp được triển khai tại Thái Bình gồm: nhà máy OMODA & JAECOO (liên doanh Geleximco - Chery, Trung Quốc), công suất 50.000 xe/năm, khởi công quý II/2025. Liên doanh Geely Auto Group và Tasco, công suất 75.000 xe/năm (giai đoạn 1), khởi công tháng 6/2025 và dự kiến giao xe từ đầu năm 2026.
Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực đối mặt với chi phí vận hành tăng cao và thị trường tiêu thụ bão hòa, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, thu nhập ngày càng tăng, và vị trí địa lý thuận lợi đang được xem là lựa chọn chiến lược của các hãng xe toàn cầu.
“Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ góp phần ra mắt nhiều mẫu xe mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân”, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trương Thanh Hoài nhận định.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cam kết phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thúc đẩy sản xuất linh kiện trong nước.
Dù cơ hội rộng mở, nhưng thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất khó chen chân vào chuỗi cung ứng ngành ô tô ngay trên chính thị trường nội địa. Phần lớn các liên doanh và tập đoàn nước ngoài đều mang theo hệ sinh thái cung ứng riêng, khiến tỷ lệ linh kiện nội trong các mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam vẫn rất thấp.
Việc thiếu chính sách ưu đãi công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại đang tạo ra rào cản lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Để Việt Nam thực sự trở thành trung tâm công nghiệp ô tô tầm khu vực và không chỉ là nơi lắp ráp mà còn là nơi sản xuất, sáng tạo và phát triển công nghệ, cần có chính sách đồng bộ từ Chính phủ.
Giới chuyên gia kiến nghị ban hành chính sách ưu đãi có trọng tâm cho doanh nghiệp nội, nhất là trong lĩnh vực linh kiện, công nghệ phụ trợ. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật và công nghệ cho doanh nghiệp Việt. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và kết nối thị trường.