Việt Nam phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD trong năm 2025

Sáng 17-11 tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị 'Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025'.

Theo báo cáo được công bố tại hội nghị, hiện cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống. Công suất sản xuất cá bố mẹ đạt trên 30.000 con/năm, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất giống. Đến nay, 61 trong tổng số 76 cơ sở sản xuất giống và 97 trong tổng số 1.842 cơ sở ương dưỡng giống được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất.

Về sản xuất thức ăn cho cá tra hiện cả nước có 46 nhà máy có vốn đầu tư trong nước và 40 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp cho cá tra; có trụ sở, địa điểm sản xuất trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Các doanh nghiệp này đã được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Tổng diện tích thả nuôi cá tra năm 2024 khoảng 5.370 ha (bằng 95% so với cùng kỳ năm 2023).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HỮU THỊNH

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HỮU THỊNH

Giá thu mua cá tra nguyên liệu trong 11 tháng đầu năm 2024 luôn duy trì ở mức 26.000-27.000 đồng/kg. Giá thức ăn cho cá tra, nhiên liệu và chi phí nhân công tăng trong năm 2024 đã ảnh hưởng đến giá sản xuất, khiến mức giá thu mua trong năm 2024 mang lại lợi nhuận rất thấp, thậm chí có thể còn khiến người nuôi bị thua lỗ.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xuất khẩu cá tra phi lê trung bình đạt khoảng 2.000- 3.500 USD/tấn. Từ đầu năm 2024 đến nay kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu ngành hàng cá tra năm 2025, phấn đấu sản lượng dự kiến 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Nuôi cá tra tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nuôi cá tra tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là ngành hàng cá tra sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp: Tiếp tục các chương trình chọn lọc, nâng cao chất lượng giống cá tra, đặc biệt đối với các tính trạng về chịu mặn, kháng bệnh nhằm cung cấp con giống khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật; đầu tư, nghiên cứu và từng bước thay thế bột cá, dầu cá trong sản xuất thức ăn bằng nhiều loại nguyên liệu thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật, côn trùng, vi tảo, protein vi sinh vật, rong biển có tiềm năng trong tương lai, góp phần giảm dần sự phụ thuộc vào bột cá, cá tạp cũng như cân bằng các axit amin thiết yếu và axit béo trong khẩu phần ăn; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra Việt Nam thông qua việc cải tiến công nghệ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ nuôi trồng đến chế biến và đạt các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị của ngành hàng cá tra...

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/viet-nam-phan-dau-xuat-khau-ca-tra-dat-2-ty-usd-trong-nam-2025-803375
Zalo