Đưa vào quản lý trên 11.600 người kinh doanh thương mại điện tử

TP Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường thương mại điện tử hoạt động sôi động với quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn nhất cả nước. Đây cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước. Do đó, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này đang được đẩy mạnh nhằm chống thất thu ngân sách.

Ảnh tư liệu, minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Ảnh tư liệu, minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo triển khai giải pháp thu thuế liên quan lĩnh vực thương mại điện tử, nhằm tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử và đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời đối với hoạt động kinh doanh này.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh giao Cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường cùng một số đơn vị liên quan để tham mưu UBND thành phố văn bản chỉ đạo về các giải pháp hành thu thuế liên quan lĩnh vực thương mại điện tử chậm nhất ngày 20/11/2024, nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Trường hợp phát sinh nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương thì sớm tham mưu UBND thành phố có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền để được hướng dẫn hoặc chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, sớm xây dựng và ký kết quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục Thuế thành phố và các sở, ngành trên địa bàn trong quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử, làm cơ sở triển khai trong tháng 12/2024.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Nội vụ rà soát, kiện toàn nhân sự và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trình UBND thành phố trong tháng 11/2024.

Về phía Sở Công Thương, UBND TP Hồ Chí Minh giao cơ quan này chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan kiện toàn nhân sự của Hội đồng ngành thương mại điện tử thành phố và trình UBND thành phố trước ngày 30/11/2024.

Trong vài năm gần đây, chống thất thu thuế trong kinh doanh thương mại điện tử là một trong những chuyên đề chống thất thu ngân sách nhà nước luôn được ngành thuế TP Hồ Chí Minh ưu tiên tập trung thực hiện.

Song song đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và các ngành chức năng đã từng bước nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; tập trung rà soát, xây dựng dữ liệu đối với hoạt động thương mại điện tử để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử và tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng doanh thu thương mại điện tử trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 91.962 tỷ đồng, tăng 43,7% so cùng kỳ, chiếm 33,5% doanh thu thương mại điện tử cả nước.

Cũng trong thời gian này, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã rà soát, đưa vào quản lý 11.606 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Doanh thu quản lý thuế đối với nhóm hoạt động này là 562.047 tỷ đồng, với tổng số thuế phải nộp qua kê khai là 7.373 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cơ quan thuế sẽ chủ động làm việc với các Sở Thông tin và Truyền thông, Công Thương để xây dựng chương trình/đề án tổng thể quản lý trước mắt và lâu dài; đồng thời xây dựng làm giàu cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử. Đây được xem là cơ sở để cơ quan thuế khai thác hiệu quả thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Từ đó, lập kế hoạch quản lý thuế, chống thất thu thuế, rà soát và xử lý nợ thuế theo quy trình, quy định.

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Thuế làm việc với một số sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiktok... để lấy danh sách nhà cung cấp thực hiện các phiên livestream với doanh thu lớn. Từ đó, cơ quan thuế sẽ kiểm tra tính tuân thủ pháp luật thuế của các đơn vị. Đồng thời, lập danh sách và thực hiện rà soát, kiểm tra về thuế (đăng ký và kê khai nộp thuế) đối với các cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung tại Việt Nam trên những nền tảng mạng xã hội Facebook, Tikok, Youtube...

Cơ quan thuế cũng sẽ phối hợp thông qua những công ty đối tác của Google, Facebook, Tiktok... tại Việt Nam để xác minh thu nhập của các Youtuber, Tiktoker và người nổi tiếng…

H.Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dua-vao-quan-ly-tren-11600-nguoi-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-20241117155111240.htm
Zalo