Việt Nam 'mở cửa' kỷ nguyên số
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới' đã tạo ra bước đột phá trong việc nhận thức về tiến trình chuyển đổi số đúng với bản chất, vai trò và vị trí đối với sự phát triển của đất nước.
Đây là điều trong suốt thời gian qua, chúng ta chưa thực sự nhận thức được đúng, đầy đủ và chính xác về chuyển đổi số, như một tiến trình góp phần tạo ra sự chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo ra sự đột phá năng suất thông qua đột phá giá trị.
Vấn đề được đặt ra là Việt Nam cần những chính sách gì để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0? Có thể nói, nhân lực được nhận thức là một trong ba điểm nghẽn quan trọng hiện nay (thể chế, hạ tầng và nhân lực) đối với tiến trình phát triển của Việt Nam nói chung và để chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0.
Để thúc đẩy và khuyến khích việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời đại, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần nâng cao chất lượng của yêu cầu đào tạo. Đồng thời, cần có chiến lược phát triển nhân sự đáp ứng yêu cầu cụ thể của chiến lược số quốc gia.
Đây là điều cần thiết để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, nhà nhà đào tạo, dẫn đến chất lượng không đáp ứng được yêu cầu, người học gặp khó trong việc chọn nơi đào tạo và giá trị của các bằng cấp chưa thực sự được coi trọng.
Doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một lộ trình chuyển đổi dài hạn; biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu về tiến trình chuyển đổi số để hành động đúng. Chỉ bằng cách chuyển đổi nhận thức đúng đắn, doanh nghiệp mới thực sự biết mình chuyển cái gì, như thế nào, đến đâu, để đạt mục tiêu gì. Khi đó, doanh nghiệp có thể thích ứng và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ chuyển đổi số. Công tác đào tạo nhân sự, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt có vai trò quan trọng. Họ phải là người thấu hiểu để có thể dẫn dắt “con tàu” doanh nghiệp tham gia vào tiến trình chuyển đổi này.
Đối với Nhà nước, các chính sách hỗ trợ về đào tạo và chương trình tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số có ý nghĩa tích cực và quan trọng, song song các hành lang pháp lý đang tích cực được xây dựng. Chính sách quan trọng nhất để tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số và xã hội số hiện nay là làm rõ những nền tảng lý luận. Trên cơ sở đó, xác lập rõ những trọng điểm, cơ sở, điều kiện, mục tiêu, trọng tâm, chiến lược cụ thể.
Trong tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam hiện chịu sự phụ thuộc lớn cả về công nghệ phần cứng lẫn phần mềm. Do vậy, hợp tác quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng.
Trước hết, hợp tác để hỗ trợ việc xây dựng các định chuẩn trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ phức tạp và ảnh hưởng đến quyết định sử dụng công nghệ như thế nào để không bị rơi vào tình trạng phân cách, không đồng bộ.
Thứ hai, hợp tác để hỗ trợ khả năng làm chủ và ứng dụng hiệu quả, từ đó, phát triển các công nghệ lõi mới, từng bước làm chủ các công nghệ thế hệ tiếp theo.