Việt Nam có thể bứt phá tăng trưởng công nghiệp vào 2025

Nếu tận dụng tốt các lợi thế, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, Việt Nam có thể tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 của Việt Nam tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong quý II và quý III, có xu hướng tăng trưởng chậm hơn trong quý IV.

“Để đạt được kết quả này, trước hết phải kể đến sự điều hành linh hoạt, có hiệu quả của Chính phủ. Chính phủ đã có phản ứng chính sách rất nhanh, ví dụ như giảm 5% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thì trường mới.

Đặc biệt, những giải pháp này đã kích thích cho ngành sản xuất xe có động cơ tăng trưởng cao trong quý IV và tăng trưởng cả năm trên 20%”, bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2024 liên tục đẩy mạnh và gia tăng. Các hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong cả năm, điển hình là nhóm ngành dệt may, da giày tăng trưởng trên 10%; nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tăng từ 8,3% đến 11,9%.

Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, cho rằng, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, cho rằng, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cũng cho rằng, trong năm 2024, một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.

Các trung tâm công nghiệp lớn tiếp tục tăng trưởng khá. Tỉnh Bắc Giang là một điển hình khi lĩnh vực sản xuất điện, điện tử và linh kiện tăng rất mạnh, tạo đà cho sản xuất công nghiệp tăng trên 20%. Phú Thọ trở thành địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với con số tăng trưởng trên 40% nhờ nỗ lực xúc tiến các dự án đầu tư về bán dẫn.

Để tạo con số tăng trưởng ấn tượng trong sản xuất công nghiệp năm 2024, cần nhìn nhận lại hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2023 - đây là năm gặp rất nhiều khó khăn. Nền tảng tăng trưởng thấp này cũng tạo đà cho sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng cao.

Bước vào năm 2025, sản xuất công nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng khi đơn hàng dệt may da giày đã có đến 6 tháng đầu năm. Nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc từ nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp sau. Bên cạnh đó, nhóm ngành gỗ đã có sự hồi phục đáng kể, tiếp tục có tăng trưởng cao.

Trong năm 2024, giải ngân vốn FDI ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam và khẳng định, nhà đầu tư tiếp tục mở rộng các dự án tại Việt Nam thời gian tới.

Riêng đối với ngành sản xuất điện tử bán dẫn, những chính sách mới sẽ góp phần tạo sức hút FDI trong năm 2025 cũng như thu hút sự dịch chuyển luồng đầu tư từ các nước sang Việt Nam.

“Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì Việt Nam có thể tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo”, bà Nga khẳng định.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/viet-nam-co-the-but-pha-tang-truong-cong-nghiep-vao-2025/20250106052350028
Zalo