Giải bài toán thoát bẫy lao động giản đơn
Chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số đề ra, trước hết Việt Nam cần giải bài toán thoát bẫy lao động giản đơn và thực hiện quyết liệt thay đổi mô hình kinh tế, đồng thời gỡ những vấn đề bất cập của thu hút đầu tư, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm khi tham gia chuỗi cung ứng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) công bố cho thấy, trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Đây là mức giải ngân cao với Việt Nam nhưng so với các nước khác không phải là lớn (con số này ở Trung Quốc khoảng 150 tỷ USD, Mỹ khoảng 200 tỷ USD). Việc vốn FDI vào mỗi quốc gia phụ thuộc vào sự hấp thụ của nền kinh tế nước đó, nên không thể đưa ra mong muốn thu hút vốn FDI của Việt Nam ngang bằng với các cường quốc trên thế giới. Nhưng đây là một điểm sáng.
Trong dòng vốn FDI vào Việt Nam năm qua, có 80% là sản xuất chế tạo. Sản xuất chế tạo là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giá rẻ của Việt Nam. Đây là lợi thế của Việt Nam khi sử dụng lao động giá rẻ để hấp thụ vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn vào đây để sản xuất với sản phẩm rẻ nhất, quy mô lớn nhất, bán ra thế giới với giá cao nhất và đạt lợi nhuận cao nhất. Đây là lý do vì sao vốn đầu tư FDI lại đầu tư vào sản xuất chế tạo chiếm tỉ lệ lớn như vậy.
Cơ chế chính sách, miễn thuế khá nhiều đang là sức hút mạnh nhất với các nhà đầu tư khi quyết định rót vốn vào Việt Nam. Có địa phương miễn giảm tổng thời gian lên tới 15 năm, tức là vừa tròn chu kì một dự án. Sau đó, doanh nghiệp FDI lại chuyển sang địa phương khác và thụ hưởng chu kỳ ưu đãi 15 năm nữa.
“Như vậy, nếu nhà đầu tư đi hết 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, họ được 1.000 năm không phải nộp thuế. Không những thế các địa phương còn cạnh tranh nhau để thu hút nhà đầu tư. Nhà đầu tư càng có lợi và đầu tư nhiều vào Việt Nam. Có thể nói, dòng vốn nhiều là đúng. Nhưng trong chuỗi giá trị đó, đóng góp của Việt Nam rất ít, đa phần nhà đầu tư đến Việt Nam là nhập linh kiện (chiếm 80% giá của sản phẩm), sản xuất chỉ chiếm 10%”, ông Lạng nói. “Như vậy đầu vào - đầu ra gần như tương đương. Vì sao lại như vậy? Vì, nhà đầu tư vào Việt Nam sử dụng lao động giản đơn với giá rẻ, không sử dụng lao động cao cấp. Việc doanh nghiệp FDI sử dụng lao động giản đơn để giúp giảm chi phí sản xuất và phía Việt Nam cũng tranh thủ điều này để giải quyết việc làm cho người lao động”.
Với cách thu hút đầu tư như trên, theo vị chuyên gia, về lâu dài, những lao động này của Việt Nam không có tương lai. Trong khi các tập đoàn đa quốc gia công nghệ cao khi vào Việt Nam họ chọn lao động giản đơn để tránh tình trạng mất công nghệ lõi. Đây là lí do vì sao nhiều công ty công nghệ cao vào Việt Nam đến giờ sau hàng chục năm các doanh nghiệp Việt vẫn không làm chủ được công nghệ lõi.
“Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến nay là 40 năm nhưng Việt Nam không có tiến bộ nhiều trong việc phát triển công nghệ, không học được gì. Cho đến nay chỉ Hàn Quốc cho Việt Nam công nghệ sản xuất màn hình Led. Ngoài ra không có gì. Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ lõi. Lao động Việt Nam làm thuê với giá trị gia tăng thấp và có thể bị mất việc bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp nước ngoài rút vốn”, ông Lạng chỉ rõ.
Theo PGS. Nguyễn Thường Lạng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, cần có chiến lược làm chủ công nghệ lõi. Ví dụ, khi thu hút doanh nghiệp FDI cần phải yêu cầu họ kí cam kết sau thời gian bao lâu phải chuyển giao công nghệ. Có như vậy, mới chấm dứt được tình trạng công ty FDI vào Việt Nam, khi ra đi, họ mang theo việc làm, công nghệ và chỉ để lại rác.
Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ lõi. Chúng ta có chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn. Đây là ngành không thể sử dụng lao động giản đơn, phải có công nghệ cao, chuyên gia giải mã, phòng thí nghiệm cao cấp. Đây là những giải pháp để tránh cho Việt Nam tiếp tục tụt hậu trong chuỗi cung ứng công nghệ trên thế giới. Nghị Quyết 57 vừa được đưa ra sẽ tạo được những bước đột phá. Như vậy, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì Việt Nam phải có giải pháp, có hệ sinh thái, cơ cấu vận hành kinh tế, văn hóa học hỏi để làm chủ công nghệ thay vì đi làm thuê là chính.
PGS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, cần giải bài toán kết hợp giữa trường ĐH với các trung tâm nghiên cứu phát triển. Hiện nay sự liên kết này rất yếu. Ví dụ, muốn giảng dạy về công nghệ bán dẫn nhưng không biết thực hành, thực tập ở đâu. Nhà nước đang tổ chức thành lập các trung tâm này để phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo.