Việt Nam có gần 300.000 ca tử vong do đề kháng kháng sinh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính từ năm 2020-2023, Việt Nam có khoảng 296.681 ca tử vong do đề kháng kháng sinh, xếp thứ 2 trong các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương và đứng thứ 11 thế giới về tiêu thụ kháng sinh.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Viêm họng và ho - góc nhìn đa chuyên khoa" do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tại TP.HCM mới đây, PGS.TS.BS.TTND Trần Phan Chung Thủy, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, cho biết đề kháng kháng sinh là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ tử vong cao. WHO ước tính từ năm 2020-2023, Việt Nam có khoảng 296.681 ca tử vong do đề kháng kháng sinh, xếp thứ 2 trong các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương và đứng thứ 11 thế giới về tiêu thụ kháng sinh.

Cũng theo PGS.TS Chung Thủy, viêm họng và ho là 2 triệu chứng thường gặp trong bệnh lý tai mũi họng và cũng là 2 triệu chứng bị lạm dụng kháng sinh phổ biến nhất do bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị đúng cách. Điều này đã góp phần làm gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh.

Thống kê của WHO tại Việt Nam cho thấy, có đến 50% trường hợp kháng sinh được sử dụng không hợp lý tại bệnh viện, 88-97% nhà thuốc kê kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ.

Đặc thù tại Việt Nam, dược sĩ nhà thuốc thường là kênh tiếp cận các vấn đề sức khỏe đầu tiên từ bệnh nhân, đồng thời là cầu nối chuyển tải các thông tin tư vấn phù hợp một cách gần gũi và nhanh chóng. Vì vậy, dược sĩ nhà thuốc đóng vai trò then chốt trong định hướng và thay đổi nhận thức giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị và sử dụng kháng sinh đúng cách.

PGS.TS.BS Trần Viết Luân chia sẻ tại Hội thảo

PGS.TS.BS Trần Viết Luân chia sẻ tại Hội thảo

"Để giảm đề kháng kháng sinh, song song việc có chiến lược sử dụng kháng sinh thích hợp và hiệu quả, công tác nâng cao nhận thức của người bệnh cũng rất quan trọng. Trong đó, mỗi dược sĩ là một chiến sĩ trong cuộc chiến giảm đề kháng kháng sinh. Sự tư vấn đúng đắn của dược sĩ khi đón tiếp bệnh nhân tại nhà thuốc giúp nâng cao tuân thủ sử dụng kháng sinh, có tác động tích cực trong bảo tồn kháng sinh", PGS.TS Chung Thủy nhấn mạnh.

PGS TS DS Bùi Thị Hương Quỳnh, Phó Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) nhận định, tỷ lệ đề kháng kháng sinh trước và sau dịch Covid-19 nhìn chung đều cao. Trong khi có nhiều chủng đa kháng thuốc, vẫn chưa có nhiều thuốc kháng sinh mới được nghiên cứu phát triển. Vì thế, chỉ nên sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân có chẩn đoán nhiễm khuẩn và cần sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng liều, đủ thời gian.

Theo PGS.TS.BS Trần Viết Luân, Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), viêm họng là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam với hơn 10 triệu lượt khám/năm. Trong số những người trưởng thành bị viêm họng, gần 50% mắc viêm họng 3-4 lần/năm. Trong khi đó ho là triệu chứng phổ biến với 30 triệu lượt khám lâm sàng mỗi năm. Virus là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm họng.

Bác sĩ Luân cũng chia sẻ, sử dụng kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh và gây ra các tác dụng ngoại ý như tiêu chảy, phát ban, dị ứng... Viêm họng phần lớn do virus, do đó kháng sinh không có hiệu quả và điều trị triệu chứng là cơ bản.

Thu Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/viet-nam-co-gan-300000-ca-tu-vong-do-de-khang-khang-sinh-20230924170507418.htm
Zalo