Một buổi sáng ở ngoài đường Hà Nội gây hại tương đương 2 bao thuốc lá
Không khí Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ô nhiễm nặng, chuyên gia nhận định một buổi sáng ra ngoài hít thở có thể gây hại tương đương hút hai bao thuốc lá.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir vào lúc 11h ngày 4/1/2025, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) 240. Theo thang đo của IQAir, chỉ số AQI của Hà Nội ở mức màu tím - "mức rất không tốt cho sức khỏe”.
Hà Nội cũng là thành phố ô nhiễm nhất trong cả nước. Đứng thứ 2 về mức độ ô nhiễm là tỉnh Hưng Yên, với chỉ số AQI ở mức 259, đứng thứ ba cả nước là Thái Bình ở mức 252.
Đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã duy trì hơn một tuần qua khi không khí lạnh suy yếu, đêm trời lạnh, ngày nắng hanh; các yếu tố giúp giảm ô nhiễm như gió, mưa gần như không có.
Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, ở mức không khí này mọi người có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe nếu không có các biện pháp phòng ngừa.
“Cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm là mắt. Một số người có thể cảm nhận mắt cay xè do bụi bẩn. Một số bệnh lý dễ bị mắc do bụi bẩn trong không khí là viêm kết mạc, tổn thương giác mạc gây ảnh hưởng thị lực”, bác sĩ Mạnh cho hay.
Không chỉ mắt, đường hô hấp cũng rất nhạy cảm với không khí ô nhiễm. Bác sĩ Mạnh cho biết thường xuyên hít phải không khí ô nhiễm sẽ dẫn tới viêm đường hô hấp trên, viêm xoang liên tục tái đi tái lại, viêm họng, viêm phế quản, bệnh phổi…
Ngoài ra, hệ tim mạch cũng có thể chịu nhiều hệ lụy. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, tắc mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Đặc biệt, người sức đề kháng kém, dễ bị ốm cảm như người già, phụ nữ có thai, trẻ em và người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch cần cẩn trọng.
"Với chất lượng ô nhiễm không khí nặng như hiện nay, chỉ cần một buổi sáng ngoài đường hít thở có thể gây tác hại tương đương hút hai bao thuốc lá", bác sĩ Mạnh cho hay.
Làm gì khi không khí ô nhiễm?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Do đó, bác sĩ Mạnh khuyến cáo mọi người hạn chế tối đa ra ngoài đường, nếu cần, phải che chắn kỹ, đeo kính bảo vệ, khẩu trang lọc bụi mịn. Rửa mặt sạch khi đi từ ngoài về, nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng.
Bên cạnh đó, hạn chế việc tập luyện thể thao ngoài trời như chạy bộ hay đạp xe vì dễ tăng khả năng mắc bệnh hô hấp do hít không khí ô nhiễm. Thay vào đó, nên ưu tiên các môn thể thao trong nhà để tránh bụi.
Bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu.
Nếu có biểu hiện viêm da kéo dài, đau mắt, viêm kết mạc, viêm hô hấp, viêm xoang, khó thở mệt mỏi, đặc biệt đau ngực nhiều, nên đến bệnh viện thăm khám.