Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Điểm sáng xuất khẩu, thu hút FDI

Chiều nay (6/4) Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025. Xuất nhập khẩu là điểm sáng được thông tin tại họp báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài - đại diện Bộ Công Thương tham dự buổi họp báo.

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 diễn ra chiều 6/4 tại Hà Nội - Ảnh: VGP

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 diễn ra chiều 6/4 tại Hà Nội - Ảnh: VGP

Giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8% trong bối cảnh đầy thách thức

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Hội nghị nhận định, trong quý I/2025, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan đối ứng rất cao, gây căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin, tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm.

Thu ngân sách Nhà nước đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong tháng 3 có 15.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54,2% so với tháng 2 và tăng 3,4% so với cùng kỳ.

Tính chung quý I có 72.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 18,6%. Có 85% số doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo quý II ổn định và tốt hơn quý I. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 đạt 50,5 điểm (so với 49,2 điểm tháng 2), cho thấy sự cải thiện về điều kiện kinh doanh.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 10,8%; tính chung quý I tăng 9,9%. Khách quốc tế tháng 3 đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng 28,5%; quý I đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6%.

Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.

Đồng thời, Chính phủ đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới;

Tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả.

Đáng chú ý, tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,8% trong năm 2025, Liên Hợp Quốc dự báo 6,6%, cao nhất Đông Nam Á…

7 mũi đột phá điều hành

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức khi bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhất là lãi suất, tỷ giá còn cao trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, rủi ro gia tăng; cầu tiêu dùng tăng chậm; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn…

Tại Hội nghị thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

"Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 được giữ nguyên là từ 8% trở lên", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin và cho biết, trên tinh thần đó, Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Toàn bộ hệ thống phải bám sát, đồng bộ hóa việc triển khai các chủ trương lớn. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của tinh thần chủ động, bám sát các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ hai, chủ động ứng phó chính sách thương mại các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ. Thủ tướng nêu rõ không hoảng hốt, không lo sợ mà phải giữ vững bản lĩnh, xử lý chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Xem đây là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, thị trường, sản xuất và xuất khẩu.

Quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ phải được đặt trong tổng thể đa phương, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Các Phó Thủ tướng, bộ ngành được giao chuẩn bị kế hoạch đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhất là về sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ… Truyền thông được yêu cầu vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia và tạo niềm tin với nhà đầu tư.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an và các địa phương tập trung triển khai các luật được ban hành, khẩn trương trình sửa đổi các luật lớn như Luật Doanh nghiệp, Luật PPP, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách…

Thứ tư, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì giải ngân vốn đầu tư công. Về xuất khẩu, Bộ Công Thương chủ trì để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, đề xuất các giải pháp cụ thể kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.

Thứ năm, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn

Ngân hàng Nhà nước điều hành tiền tệ linh hoạt, tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên và các công trình trọng điểm. Bộ Tài chính xây dựng kịch bản tăng trưởng quý II và các quý sau, tăng thu - tiết kiệm chi, đặc biệt chú trọng thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống.

Thứ sáu, giải quyết các tồn đọng, dự án chậm tiến độ. Thủ tướng giao xử lý dứt điểm các dự án kéo dài, trong đó có dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP. Hồ Chí Minh yêu cầu hoàn thành trong quý II/2025, phấn đấu xong trong tháng 4. Triển khai Nghị định 76/2025/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng thanh tra, kiểm tra, bản án.

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Tăng cường kỷ luật, phòng chống tham nhũng, giữ vững quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.

Cuối với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đối ngoại, truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội và huy động sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước.

Báo Công Thương tiếp tục cập nhập thông tin cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra sáng 6/4, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng;

Chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, đầy đủ, minh bạch những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa…

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-bao-chinh-phu-thuong-ky-thang-3-diem-sang-xuat-khau-thu-hut-fdi-381728.html
Zalo