Mặt bằng lãi suất sẽ còn giảm
Các ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, nên lãi suất được dự báo sẽ còn điều chỉnh giảm trong thời gian tới.

Lãi suất giảm
Ngay từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho các tổ chức tín dụng về định hướng mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn sẽ được cung ứng ra thị trường trong năm 2025. Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần chỉ đạo ngân hàng tiết giảm chi phí cũng như sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với chi phí thấp.
Hưởng ứng chủ trương đó, Nam A Bank triển khai cho vay ưu đãi theo chuỗi giá trị ngành thủy sản, mục tiêu cung cấp giải pháp tài chính cho tất cả đối tượng thuộc chuỗi giá trị ngành, với lãi suất cho vay chỉ từ 3,25%/năm. Đây là sản phẩm giúp Nam A Bank thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan gói tín dụng ưu đãi quy mô 60.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước triển khai. Trong đó, Nam A Bank nâng quy mô gói hiện nay từ 6.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 1-2% so với lãi suất thông thường.
Ngoài ra, Nam A Bank cũng triển khai gói cho vay nhà ở xã hội quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 5 năm đầu chỉ 6,1%/năm; triển khai một loạt gói tín dụng ưu đãi quy mô 2.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp…
Trong khi đó, Sacombank tung gói cho vay 20.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4%. Cụ thể, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có thể lựa chọn gói vay ngắn hạn với mức lãi suất ưu đãi từ 4%/năm hoặc vay trung dài hạn với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.
LPBank triển khai gói tín dụng ưu đãi có hạn mức 8.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ từ 4,8%/năm, dành cho khách hàng doanh nghiệp hiện hữu và các doanh nghiệp mới.
Tương tự, SHB triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 11.000 tỷ đồng cấp tín dụng với lãi suất từ 6,2%/năm cho khách hàng doanh nghiệp.
Kết quả điều tra quý II/2025 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thanh khoản của hệ thống trong quý I/2025 tiếp tục duy trì trạng thái “tốt”, đạt mức cải thiện cao hơn so với quý trước đó và so với kỳ vọng. Các tổ chức tín dụng dự báo, tình hình thanh khoản tiếp tục cải thiện trong quý II và cả năm 2025.
Cầu vốn sẽ trở lại
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý II và tăng 16,4% trong năm 2025. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/3, tín dụng tăng gần 2% so với đầu năm.
Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, với việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 8%, thì mặt bằng lãi suất khó có thể tăng đột biến trong năm nay. Mặt bằng lãi suất huy động cũng từng bước giảm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để giảm chi phí đầu vào.
Do đó, mức lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp hiện nay dao động ở khoảng 4-6%/năm và khách hàng cá nhân ở mức 6-8%/năm. Hiện tại, áp lực tỷ giá đã phần nào hạ nhiệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể có thêm 2 lần cắt giảm lãi suất USD trong năm nay, nên tạo dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục duy trì nới lỏng, ngân hàng đưa dòng vốn rẻ ra thị trường. Với tín dụng, các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng ngay từ đầu năm nay. Các nhà băng cũng sẽ cố gắng sử dụng hết room tín dụng được cấp trong năm nay.
Theo Phó tổng giám đốc Nam A Bank, việc cấp room tín dụng ngay từ đầu năm tạo thuận lợi cho các ngân hàng. Đáng chú là, trong bối cảnh tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì việc hạn mức tín dụng được cấp đầu năm có thể là tối thiểu và khi các ngân hàng tăng trưởng tích cực sẽ được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng, nhằm tạo dư địa để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay.
“Hoạt động tín dụng cũng đã có dấu hiệu tích cực trong những tháng đầu năm, khi đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt gần 2% và kỳ vọng cải thiện dần từ cuối quý II/2025, bởi nhu cầu vốn của khách hàng thường tăng dần trong các quý cuối năm. Đặc biệt, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, thị trường bất động sản dần hồi phục…, cầu vốn sẽ trở lại. Ngân hàng và các công ty tài chính cũng dần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân”, ông Hải nói.