Việt Nam cơ cấu lại bộ máy không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh
Cơ cấu và sắp xếp lại bộ máy Nhà nước là hoạt động thường xuyên của các quốc gia và phù hợp với bối cảnh, tình hình, chức năng và nhiệm vụ. Việt Nam sắp xếp lại bộ máy không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.
![Một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_20_51470393/1eb711392077c9299066.jpg)
Một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/2, để trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài liên quan tới việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hiện nay.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, chủ trương của Việt Nam về tinh gọn bộ máy Nhà nước theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả được đề ra từ năm 2017, được chuẩn bị kỹ và triển khai với lộ trình phù hợp.
"Quá trình sắp xếp cơ cấu lại bộ máy Nhà nước không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, trong quá trình này, Việt Nam đã có quy định về đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư theo hướng thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Sáng nay (13/2), Quốc hội tiếp tục thảo luận về 2 dự án Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương tinh gọn bộ máy được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ, triển khai rất nhanh, rất tốt, cho thấy chủ trương rất đúng.
“Tôi cho rằng, đây là điều người dân mong đợi lâu rồi, tinh gọn tổ chức bộ máy, tiết kiệm tiền chỉ là một phần thôi. Quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển lên. Đây là điều mong mỏi nhất”, Tổng Bí thư phát biểu.