Sự hài lòng của dân là thước đo hiệu quả bộ máy
Tại kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng lực, hiệu quả của chính quyền nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời khẳng định sự hài lòng của người dân chính là thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Sáng 13/2, trong chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Đoàn Hà Nội trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tham dự phiên thảo luận tại Đoàn Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai.
Theo các đại biểu, việc phân quyền, phân cấp cần đảm bảo không trùng lặp, không chồng chéo, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực và giám sát từ cấp trên. Chính quyền địa phương được tự chủ trong phạm vi được phân quyền, nhưng vẫn chịu sự kiểm tra về tính hợp hiến, hợp pháp từ cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, việc trao quyền phải đi kèm với cơ chế về nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhận định: "Luật 2015 đã quy định về phân cấp, ủy quyền nhưng chưa rõ ràng. Trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cũng có nhưng chưa thực hiện được. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là nguồn lực - tức là giao việc nhưng không giao tài chính. Ví dụ cấp huyện giao việc cho cấp xã, cấp xã giao xuống tổ dân phố".
Đại biểu cũng nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực để hạn chế việc lợi dụng chức quyền, dẫn tới việc lạm quyền, đi cùng với đó là cơ chế cho cán bộ "dám nghĩ, dám làm".
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng: "Chỉ đạo của Tổng Bí thư rất rõ ràng: nếu đã phân cấp cho địa phương thực hiện, thì cần phân quyền như thế nào để hợp lý. Để tránh tình trạng lạm quyền, cơ quan quản lý cần quy định phương thức kiểm tra, đảm bảo cấp dưới không lạm dụng quyền hạn. Như vậy, tinh thần Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị sẽ được thực hiện, tháo gỡ nút thắt về thể chế, thúc đẩy phát triển".
Đại biểu Lê Quân (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu ý kiến: "Hiện nay, nhiều địa phương vẫn phải xin ý kiến bộ, ngành trung ương cho những việc mà Chủ tịch UBND tỉnh có thể tự quyết. Vì vậy, cần phân cấp mạnh hơn, đặc biệt là bộ trưởng nên phân quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, và từ đó, Chủ tịch tỉnh tiếp tục phân cấp xuống huyện, sở. Tôi đề nghị bổ sung thêm cơ chế phân cấp không chỉ cho đơn vị trực thuộc mà cả các tổ chức đáp ứng đủ điều kiện".
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, bắt buộc phải thay đổi. Đây là chủ trương chín muồi, đã được kiểm nghiệm thực tế và nhận được sự đồng thuận từ nhân dân. Mục tiêu của những định hướng lớn này là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, mang lại đời sống tốt hơn cho nhân dân và chính sự hài lòng của người dân là thước đo đáng giá sự hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
Đề cập vấn đề chính quyền quốc gia nên 3 cấp hay 4 cấp, Tổng Bí thư cho biết cần phải tính toán kỹ lưỡng, hiện ngành công an nghiên cứu thí điểm trước bằng việc bỏ công an cấp huyện.