Việt Nam cần nhiều nỗ lực và cải cách hơn nữa
Để đạt được các mục tiêu phát triển, Việt Nam cần nhiều nỗ lực và cải cách hơn nữa, đặc biệt là khi xem xét đến những trở ngại từ biến đổi nhân khẩu học và biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu phát triển đầy tham vọng trong hai thập kỷ tới, gồm đạt được vị thế thu nhập trung bình cao năm 2035 và vị thế thu nhập cao vào năm 2045 - khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập của đất nước. Mục tiêu sau đòi hỏi phải duy trì tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức tương tự như trong hai thập kỷ qua, khoảng 6-7%/năm.
Để đạt được các mục tiêu phát triển, Việt Nam cần nhiều nỗ lực và cải cách hơn nữa, đặc biệt khi xem xét trở ngại từ biến đổi nhân khẩu học và biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam được hưởng lợi từ dân số trẻ, giúp duy trì chi phí lao động ở mức tương đối thấp, song xu hướng nhân khẩu học sẽ đảo ngược khi dân số già đi và tỷ lệ lao động trong tổng dân số giảm.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ toàn cầu cao hơn, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên và dữ dội hơn, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và tác động không cân xứng đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Vì vậy, cần có một loạt cải cách cơ cấu rộng hơn, đặc biệt là bằng cách giải quyết tình trạng thiếu hiệu quả của thị trường lao động, giảm chi phí kinh doanh và cải thiện phân bổ vốn và nguồn lực.
Thị trường lao động của Việt Nam vẫn đang phải chịu tình trạng mất cân bằng kỹ năng cao và luân chuyển nhân viên quá mức - một phần do tình trạng phi chính thức cao. Ví dụ, các kỹ năng trình độ đại học và kỹ thuật nghề nghiệp còn thiếu hụt và việc tiếp thu kỹ năng tại nơi làm việc không lấp đầy được khoảng trống vì ít công ty cung cấp đào tạo chính thức do tình trạng luân chuyển cao.
Tình trạng thiếu hiệu quả này góp phần làm tăng trưởng năng suất lao động tương đối thấp và hạn chế sự lan tỏa công nghệ và năng suất từ các công ty nước ngoài sang các công ty trong nước. Các nỗ lực để cải thiện hoạt động của thị trường lao động, gồm đầu tư hơn nữa vào nhân lực và cải thiện đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và tìm việc làm, sẽ làm tăng tính năng động của thị trường lao động và năng suất lao động.
Việc tiếp tục giảm chi phí kinh doanh cũng rất quan trọng để thúc đẩy năng suất. Cải thiện môi trường kinh doanh và quản trị kinh tế có thể làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều quan trọng là phải cải thiện các quy trình hành chính và pháp lý, bao gồm cả việc tiếp tục cải thiện luật pháp và quy trình hành chính rõ ràng, đơn giản và minh bạch hơn.
Việc tăng cường hoạt động và quản trị của thị trường vốn cũng có thể giúp giảm chi phí vay và tăng năng suất, cũng như đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu hoạt động tốt có thể tạo điều kiện phân bổ vốn cho các công ty có năng suất cao nhất.
Một khuôn khổ chính sách tiền tệ hiện đại có thể giúp loại bỏ dần các mức trần tăng trưởng tín dụng gây bóp méo và kiểm soát lãi suất. Việc phát triển các thị trường tài chính hiện đại và hiệu quả đòi hỏi phải cải cách thị trường trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy nhiều mức lãi suất do thị trường quyết định hơn và đa dạng hóa danh mục nhà đầu tư.
Việc này giúp thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, thúc đẩy khu vực công lành mạnh hơn về tài chính và giảm chi phí đi vay cho khu vực tư nhân. Việc tăng cường khuôn khổ pháp lý giải quyết các vấn đề về nợ và phá sản cũng rất quan trọng với một khu vực tài chính lành mạnh.
Một vấn đề quan trọng nữa là, việc đẩy hạ tầng công cộng có thể giúp tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế trung hạn, song đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng cao của đầu tư công và lập kế hoạch tài chính hợp lý.
Việt Nam còn nhiều thách thức lớn về hạ tầng, thể hiện qua chi phí hậu cần cao so với các nước trong khu vực. Việc cải thiện hạ tầng giao thông, kỹ thuật số và công nghệ thông tin có thể giúp giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lao động, hàng hóa và thông tin hiệu quả, đồng thời giảm các hạn chế về sản xuất cho khu vực tư nhân.
Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải có các kế hoạch tài chính trung hạn vững chắc và cải thiện quản lý nợ để tài trợ cho nhiều khoản đầu tư trung hạn. Khi các mức thuế ở Việt Nam tương đối thấp, vẫn còn dư địa để huy động thêm doanh thu thuế để đầu tư vào phát triển hạ tầng và xã hội.