Malaysia muốn tăng cường hợp tác kinh tế với các nước thành viên ASEAN

Ngày 9/1, Diễn đàn Kinh tế Malaysia 2025 (FEM 2025) đã thảo luận về định hướng hợp tác và triển khai các sáng kiến quan trọng của ASEAN nói chung và Malaysia nói riêng trong năm nay.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế Malaysia 2025 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur. Ảnh: Thành Trung - p/v TTXVN tại Malaysia.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế Malaysia 2025 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur. Ảnh: Thành Trung - p/v TTXVN tại Malaysia.

Ngày 9/1, Diễn đàn Kinh tế Malaysia 2025 (FEM 2025) đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur nhằm thảo luận về định hướng hợp tác và triển khai các sáng kiến quan trọng của ASEAN nói chung và Malaysia nói riêng trong năm nay.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn phát biểu của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Diễn đàn FEM 2025 cho hay, việc tăng cường hợp tác với các nước láng giềng Đông Nam Á sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết những thách thức sắp tới. Ví dụ, Malaysia đang hợp tác với Singapore để xây dựng Đặc khu kinh tế Johor - Singapore nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư.

Hướng tới năm 2025, Thủ tướng Anwar chia sẻ, Malaysia có kế hoạch củng cố vị thế là trung tâm về điện, nguồn nhân lực chất lượng cao và đa dạng chuỗi cung ứng thông qua các lĩnh vực then chốt như dầu khí, chất bán dẫn và tài chính Hồi giáo.

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli (bên phải) phát biểu trong phiên thảo luận về các biện pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi năng lượng. Ảnh: Thành Trung - p/v TTXVN tại Malaysia.

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli (bên phải) phát biểu trong phiên thảo luận về các biện pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi năng lượng. Ảnh: Thành Trung - p/v TTXVN tại Malaysia.

Trong thời gian tới, ASEAN được dự đoán sẽ là Khối kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, thông qua việc tăng cường hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực như Ấn Độ và Trung Quốc. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia sẽ nỗ lực cùng các quốc gia thành viên ứng phó với những thách thức chung nhằm phát triển kinh tế, cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli cho biết, trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang thay đổi, Malaysia cần phải có cách tiếp cận thận trọng hơn, đặc biệt là trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch Malaysia lần thứ 13 (13MP), dự kiến sẽ được công bố trong năm nay.

ASEAN đang có lợi thế khi là thị trường lớn, với quy mô dân số khoảng 665 triệu người và được dự báo rằng dân số thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp đôi so với hai thập kỷ trước. Ngay cả khi có nhiều nhận định cho thấy, tăng trưởng kinh tế ở các khu vực khác sẽ chậm lại hoặc suy giảm, ASEAN được dự đoán sẽ tăng trưởng từ 4,0 - 5,0% trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của nhiều quốc gia thành viên có truyền thống dựa vào lao động giá rẻ và sản xuất các sản phẩm có giá trị thấp, gây nguy cơ vướng vào bẫy thu nhập trung bình, ASEAN cần tăng cường đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về chính sách tiền tệ của Malaysia, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư Maybank, ông Suhaimi Ilias kỳ vọng rằng, Ngân hàng Trung ương sẽ duy trì lãi suất qua đêm (OPR) ở mức 3% trong năm nay do nền kinh tế về cơ bản đã được phục hồi sau đại dịch COVID-19. Mức lãi suất này sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Malaysia trong thời gian tới. Liên quan đến những lo ngại về tình trạng lạm phát, ông Suhaimi nhận định rằng chính phủ đã nỗ lực triển khai các chính sách giảm thâm hụt ngân sách, đặc biệt là hợp lý hóa trợ cấp từ toàn diện sang có mục tiêu.

Ông Ngô Quang Hưng, Bí thư thứ Nhất, Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Malaysia chia sẻ, Diễn đàn Kinh tế Malaysia 2025 được chính phủ tổ chức nhằm định hướng và xây dựng các chính sách của đất nước trong thời gian tới. Diễn đàn quy tụ hơn 50 diễn giả từ nhiều lĩnh vực như chính sách tài khóa tiền tệ, công nghệ, tăng trưởng xanh và cải cách giáo dục. Đặc biệt, diễn đàn có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cùng các Bộ trưởng trong các lĩnh vực liên quan. Với sự hiểu biết sâu sắc của các chuyên gia, diễn đàn sẽ thúc đẩy đối thoại năng động và khơi dậy các ý tưởng mới cho nền kinh tế Malaysia để nắm bắt các cơ hội phía trước.

Thành Trung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/malaysia-muon-tang-cuong-hop-tac-kinh-te-voi-cac-nuoc-thanh-vien-asean/359684.html
Zalo