Tin tức kinh tế ngày 9/1: Năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%

Năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%; UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên 7%; Các ngân hàng trung ương toàn cầu đẩy mạnh cắt giảm lãi suất… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 9/1.

Năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% (Ảnh minh họa)

Năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% (Ảnh minh họa)

Giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng mạnh

Giá vàng trên thị trường thế giới sáng nay tăng nhẹ, với vàng giao ngay tăng 14,9 USD lên 2.663,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.679,7 USD/ounce, tăng 14,2 USD so với rạng sáng qua.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng các thương hiệu đều được điều chỉnh tăng mạnh ở cả chiều mua và bán so với kết phiên giao dịch hôm qua, lên mức 84,5-86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tương tự, giá vàng nhẫn các thương hiệu cũng được điều chỉnh tăng ở cả 2 chiều. Theo đó, giá vàng DOJI tại thị trường Hà Nội và TP HCM điều chỉnh tăng 100.000 giá mua và 300.000 đồng giá bán lên lần lượt 84,5 triệu đồng/lượng và 85,7 triệu đồng/lượng.

UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên 7%

Dựa trên thành quả tăng trưởng khả quan của năm 2024 và những rủi ro thương mại từ chính quyền mới của Mỹ, ngân hàng UOB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên mức 7%, cao hơn so với dự báo trước đó là 6,6%.

Đây là nội dung trong báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2025 do Ngân hàng UOB của Singapore vừa công bố..

Theo báo cáo của UOB, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 đạt 7,09%, cao hơn 1,99% so với năm 2023 và vượt mức dự báo trung bình của thị trường là 6,7% tới 0,39%. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Dựa trên đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2024 và đồng thời cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn từ căng thẳng thương mại có thể gia tăng, UOB đã quyết định điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7% trong năm 2025.

Năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%

2024 là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là thông tin tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo 2025”, diễn ra ngày 9/1/2025, do Viện Kinh tế - Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính, cho biết, đầu năm 2024 không có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng 5,66% trong quý I/2024, còn CPI vào tháng 3/2024 đã tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự phục hồi ấn tượng của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã giúp tăng trưởng GDP các quý sau có xu hướng cao hơn so với quý trước.

Kết quả, đến cuối năm 2024, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09% (vượt mục tiêu 6 - 6,5%), còn CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước.

Đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Việt Nam thu 4,37 tỷ USD từ xuất khẩu điều

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024, ước xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 730.000 tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023.

Giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 6.003 USD/tấn, tăng 6,1% so với năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, những năm qua, ngành điều Việt Nam đã giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp, khẳng định được uy tín của thương hiệu trên thị trưng quốc tế. Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đẩy mạnh cắt giảm lãi suất

Làn sóng nới lỏng tiền tệ đã quay trở lại khi các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đồng loạt phát tín hiệu giảm lãi suất trong tháng 12/2024, đánh dấu đợt điều chỉnh chính sách mạnh mẽ nhất kể từ thời kỳ đại dịch Covid-19 năm 2020.

Trong số các ngân hàng trung ương giám sát 10 tiền tệ được giao dịch nhiều nhất, có 5 trong số 9 ngân hàng trung ương tổ chức cuộc họp chính sách vào tháng 12 đã thực hiện cắt giảm lãi suất. Các ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ và Canada đã cắt giảm 50 điểm cơ bản, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản.

Các nhà hoạch định chính sách ở Úc, Na Uy, Nhật Bản và Anh giữ nguyên lãi suất, trong khi New Zealand không có cuộc họp trong tháng 12.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-91-nam-thu-10-lien-tiep-viet-nam-kiem-soat-lam-phat-o-muc-duoi-4-722979.html
Zalo